TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap IV C)

Wednesday, December 21, 2005

VỀ CÁC HỘI THẢO, HỘI NGHỊ & TÁC PHẨM “PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG”

VỀ TÁC PHẨM “PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG”
của tác giả Trần Xuân An
và HỘI THẢO, HỘI NGHỊ KHOA HỌC
VỀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824-1886)



Nguồn:
Thanhnien online
Nguoilaodong online
Saigongiaiphong online …
Bansacvietnam online
http://www.bansacvietnam.com
http://www.bansacvietnam.net
http://www.giaodiem.com/


THÔNG TIN VỀ CÁC HỘI NGHỊ, HỘI THẢO KHOA HỌC (*)

A.
HỘI NGHỊ KHOA HỌC: NHÓM CHỦ CHIẾN TRIỀU ĐÌNH HUẾ & NGUYỄN VĂN TƯỜNG:

1. Kỷ yếu: 28 bài khảo luận sử học
(29 tác giả), trong đó có nhiều bài viết bàn vềNguyễn Văn Tường:
Gs. Nguyễn Văn Kiệm, Nnc. Trần Viết Ngạc, Nnc. Trần Thị Thanh Thanh, Nnc. Trần Đại Vinh, Nnc. Vũ Đức Sao Biển, Nnc. Trần Thị Kim Hoa, Nnc. Tôn Thất Hào, Gs. Đoàn Quang Hưng, Nnc. Nguyễn Hữu Thông & Nnc. Nguyễn Quang Trung Tiến, Ts. Võ Xuân Đàn, Gs. Vũ Ngọc Khánh, Ts. Nguyễn Thị Đảm, Nnc. Đặng Thị Tịnh…

2. Kì Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường thi tập do Nnc. Trần Viết Ngạc sưu tầm & giới thiệu, Nnc. Trần Đại Vinh – Nnc. Vũ Đức Sao Biển phiên âm và dịch (Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị và ấn hành, 20. 6. 1996).

B.
HỘI THẢO KHOA HỌC: NHÂN VẬT LỊCH SỬ NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886):

Tập các báo cáo khoa học
(15 bài khảo luận của 13 tác giả),với chuyên đề về Nguyễn Văn Tường:PGs. Ts. Đỗ Bang, Nnc. Trần Viết Ngạc, Trần Xuân An, Nnc. Trần Huy Thanh, Nnc. Phan Thuận An, Nnc. Phạm Hồng Việt, Nnc. Huỳnh Kim Thành, Ts. Nguyễn Thị Đảm, Nnc. Trần Thiều, Nnc. Nguyễn Quang Trung Tiến, Nnc. Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Nnc. Hồ Vĩnh, Nnc. Lê Tiến Công. (Trung tâm Khoa học xã hội & nhân văn Huế – Viện Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế
chủ trì hội thảo và ấn hành, 02. 7. 2002).

C.
HỘI NGHỊ: THÔNG BÁO NHỮNG NGHIÊN CỨU & SỬ LIỆU VỀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ NGUYỄN VĂN TƯỜNG TRONG PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG.

(Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, 01. 11. 2003, và thông báo trên tạp chí Xưa & Nay, sô 151 (199), tháng 11. 2003, đồng thời trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6 (331) tháng 11 & tháng 12. 2003.).

Theo thông báo trên, những công trình nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật tư liệu vẫn được tiếp tục, mặc dù Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã khẳng định lại sự khẳng định từ cuối thế kỉ XIX đến nay của giới sử học trong và ngoài nước: Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) là nhà yêu nước, chủ chiến [trong bối cảnh suy trầm chung của Việt Nam và các châu lục Á – Phi – Mỹ la-tinh trước nạn thực dân Âu – Mỹ (– nbs.)].
Đồng thời, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng đã thẩm định và đã đi đến khẳng quyết về tính chân xác của các sử liệu được công bố trong hội thảo ngày 02. 07. 2002 tại Huế (**).

(*) Sau phần này, người biên soạn xin được phép trang trọng chép lại hai bài thông tin khoa học và nhận định khái quát từ cuộc hội nghị do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 01. 11. 2003. Chúng tôi cũng mạo muội chú thích thêm cuối trang và cuối bài để làm rõ hơn, theo tinh thần dân chủ trong học thuật.
Trân trọng kính thưa trước.
TXA.

(**) Các tư liệu ấy cũng đã được công bố trên báo chí một cách công khai và minh bạch. Xin xem: Trần Viết Ngạc, “Những tư liệu mới về Nguyễn Văn Tường” [giới thiệu, phân tích, bổ sung tư liệu sưu tầm, dịch thuật của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, hậu duệ của cụ Nguyễn Văn Tường, và con gái bà là Trần Nguyễn Từ Vân], bns. Xưa & Nay, số 126 (174) tháng 10. 2002, tr. 18 – 20. Chúng tôi đã trần thuật lại bài báo trên (đồng thời mạn phép trích nguyên văn một số đoạn tư liệu) ở chú thích (9), bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc Kinh đô quật khởi, 05. 07. 1885”.

Nguồn: http://www.bansacvietnam.com


____________________



Tạp chí NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
(Trung tâm Khoa học xã hội
& nhân văn quốc gia – Viện Sử học Việt Nam)
Số 6 – 2003, tr. 90

THÔNG TIN SỬ HỌC
HỘI NGHỊ: THÔNG BÁO NGHIÊN CỨU VÀ SỬ LIỆU
VỀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ NGUYỄN VĂN TƯỜNG
TRONG PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG

Ngày 01. 11. 2003, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội nghị: “Thông báo nghiên cứu và sử liệu về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường trong phong trào Cần vương”. Tham dự có các nhà nghiên cứu của Viện Sử học, các thành viên của Hội và đại diện hậu duệ đời thứ năm của Phạm Thận Duật, Tôn Thất Thuyết.
Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và Hoàng Kế Viêm là ba nhân vật quan trọng nhất của triều Nguyễn thời Tự Đức, phục vụ triều đình cho đến năm 1885 nhưng không được Quốc sử quán triều Nguyễn biên chép trong bộ Đại Nam chính biên liệt truyện. Điều này đã làm cho việc nghiên cứu ba nhân vật này trở nên khó khăn. Để làm sáng tỏ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Tường, đã có hai hội thảo khoa học về Nguyễn Văn Tường. Hội thảo thứ nhất do Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20. 6. 1996 với chủ đề: “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường”, kết quả là, bước đầu sưu tầm được nhiều tư liệu, nghiên cứu và đánh giá về Nguyễn Văn Tường và kết luận: Nguyễn Văn Tường là người thực tâm yêu nước. Giáo sư Trần Văn Giàu cũng đã từ bỏ ý kiến đánh giá trước đây của mình và thừa nhận Nguyễn Văn Tường là đại quan yêu nước dưới triều Nguyễn. Tuy nhiên vấn đề vẫn còn chưa lí giải được là việc Nguyễn Văn Tường rời bỏ Tôn Thất Thuyết để tạm thời (*) cộng tác với Pháp sau sự kiện 05. 7. 1885. Hội thảo thứ hai do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Huế – Viện Đại học Huế và Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức ngày 02. 7. 2002 tại Huế. Thành công lớn nhất của Hội thảo là đã hình thành một nhóm sưu tầm tư liệu ở trong và ngoài nước về Nguyễn Văn Tường một cách toàn diện. Cũng trên cơ sở có tư liệu mới nên việc đánh giá về Nguyễn Văn Tường đầy đủ, khách quan và chính xác hơn. Hội thảo lần này tiếp tục giới thiệu những tư liệu được sưu tầm tại Pháp và Tahiti do hậu duệ đời thứ năm và sáu (**) của cụ Nguyễn Văn Tường là Nguyễn Thị Ngọc Oanh và con gái là Trần Nguyễn Từ Vân thực hiện. Trong đó có nhiều tư liệu khai thác tại các trung tâm lưu trữ hồ sơ của Bộ Ngoại giao (Paris), tại Tahiti, và Bộ Hải quân.

P. C.
(Phó Tổng biên tập
Nguyễn Thị Phương Chi)

(*) Nbs. xin mạn phép nhấn mạnh (in đậm và in nghiêng).
(**) Nếu tính các thế hệ từ đời con trở xuống, chính xác là: hậu duệ thế hệ thứ tư và thứ năm.


Nguồn: http://www.bansacvietnam.com


____________________



HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM
Tạp chí Xưa & Nay
,
Số 151 (199) – tháng 11. 2003, tr. 7 - 9


NGUYỄN VĂN TƯỜNG, NHỮNG CHUYỂN BIẾN TRONG SỰ ĐÁNH GIÁ

Ngày 01.11.2003, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức cuộc sinh hoạt khoa học nhằm thông báo và trao đổi xung quanh những đánh giá và tư liệu mới về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường. Cuộc họp này là sự kế tục các cuộc hội thảo về “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường” do Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20. 06. 1996, và cuộc hội thảo về “Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường” do Trung tâm Khoa học xã hội & nhân văn Huế và Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế tổ chức ngày 02. 7. 2002. Đây là vấn đề mà giới sử học đang quan tâm, cũng như các cuộc toạ đàm đánh giá lại các nhân vật Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức gần đây. Chúng tôi xin lược thuật lại nội dung các cuộc trao đổi trên để giúp bạn đọc hiểu rõ thêm bi kịch đối với một nhân vật lịch sử trong giai đoạn biến động của đất nước.
Nguyễn Văn Tường là một trong những đại thần dưới triều Tự Đức. Sau khi Tự Đức băng hà, ông cùng Tôn Thất Thuyết làm phụ chính đại thần, lãnh đạo phe chủ chiến phế lập các vua Nguyễn để thực hiện mục tiêu chống Pháp. Nguyễn Văn Tường là người có nhiều mưu lược chống Pháp, nhất là trên mặt trận ngoại giao. Nhưng đến sự kiện tấn công quân Pháp đêm 04. 7. 1885 do chủ mưu của Tôn Thất Thuyết trong một tình thế bức bách dù biết rằng sẽ thất bại, Tôn Thất Thuyết đã không bàn với Nguyễn Văn Tường và không xin ý kiến vua Hàm Nghi (*).
Trước tình thế đó, Nguyễn Văn Tường tìm cách đưa vua Hàm Nghi và tam cung lánh nạn để chờ điều đình với Pháp. Nhưng Tôn Thất Thuyết đã kịp thời đưa vua và tam cung ra Quảng Trị. Theo Đại Nam thực lục và theo tài liệu dân gian Hạnh Thục ca (*a) thì Nguyễn Văn Tường đã vâng lệnh thái hậu Từ Dũ ở lại để điều đình với Pháp, đó là sứ mệnh cao cả và nguy hiểm chứ ông không phải là người ở lại để đầu thú (*b). Nhưng sau sự kiện thất thủ kinh đô, Nguyễn Văn Tường rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan và nằm trong lưới bẫy thực dân. Ông đã trở thành mục tiêu công kích thậm tệ của nhiều thế lực đang thắng thế ở kinh đô, không những bị triều đình Đồng Khánh lên án mà còn bị dư luận xuyên tạc gây nên nhiều ngộ nhận đối với các thế hệ sau.
Theo các tài liệu mới sưu tầm được, thì trong hai tháng ở Huế, Nguyễn Văn Tường là thân phận tù binh của Pháp. Tướng De Courcy, tổng chỉ huy quân Pháp ở Bắc Kỳ, đã lợi dụng danh nghĩa phụ chính của Nguyễn Văn Tường để thực hiện ý đồ chinh phục, như viết thư kêu gọi vua Hàm Nghi và tam cung trở lại Huế; có tài liệu cho biết Nguyễn Văn Tường vẫn tiếp tục liên lạc với quân Cần vương và bị De Courcy phát giác [nbs. iđ. & in.]. Điều đó cho thấy Nguyễn Văn Tường không làm tay sai cho Pháp mà trước sau vẫn bị chúng cho là đối nghịch. Kết cục là triều đình Đồng Khánh đã kết án ông và đày ra Côn Đảo, sau đó thực dân Pháp thấy không yên tâm nên đã đày ông biệt xứ sang đảo Tahiti. Ông đã qua đời tại đó năm 1886 [nbs. iđ. & in.]. Tuy nhiên kết cục bi thảm đó không được giới sử học trước đây mảy may bận tâm. Nhiều tài liệu lịch sử vẫn viết rằng Nguyễn Văn Tường là kẻ đầu hàng chống lại phe chủ chiến.
Nếu như Quốc sử quán triều Nguyễn không đưa Nguyễn Văn Tường và nhiều nhà yêu nước khác vào bộ Liệt truyện, thì giới sử học ngày nay có trách nhiệm làm sáng tỏ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Tường, để đặt ông vào đúng vị trí một nhân vật có tầm vóc trong lịch sử dân tộc cuối thế kỉ XIX [nbs. iđ. & in.].
Sai lầm của Nguyễn Văn Tường là tin vào việc thương thuyết để tìm một lối thoát cho đất nước, khi mà cuộc đấu tranh vũ trang đã thất bại; chủ quyền không còn, thì ông trở thành mục tiêu để kẻ thù lợi dụng và loại trừ. Thực dân Pháp đã lợi dụng ông để ổn định tình thế sau biến động ở kinh đô, khi vua và triều thần không còn. Chính vì sự lợi dụng này mà Nguyễn Văn Tường bị coi như kẻ tiếp tay cho chính sách cai trị của Pháp sau biến cố ở kinh đô. Đó cũng là một lầm lẫn đáng tiếc của ông (*c).
Nhưng không vì thế mà ta có thể nghi ngờ lòng yêu nước của ông. Thực dân Pháp và triều đình Đồng Khánh luôn xem ông là kẻ thù, xếp ông vào cùng danh sách những người yêu nước chống Pháp hàng đầu thời đó [nbs. iđ. & in.] như Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Tôn Thất Đính, Phạm Thận Duật (*d)… Qua cuộc hội thảo năm 1996 tại Tp. Hồ Chí Minh, Gs. Trần Văn Giàu cũng đã từ bỏ ý kiến trước đây của mình và thừa nhận Nguyễn Văn Tường là một trong những đại quan yêu nước dưới triều Nguyễn.
Việc công bố mới đây một số tài liệu lưu trữ của Pháp (hồ sơ CAOM. …, CAOM. … (*e) (1)) và những cuộc khảo sát ở nhà tù Tahiti, do hậu duệ Nguyễn Văn Tường thực hiện ở nước ngoài, đã giúp cho các nhà sử học có thêm cơ sở để đánh giá lại nhiều điểm oan khuất trong cuộc đời của Nguyễn Văn Tường, nhất là hai tháng cuối cùng ở Huế.
Với sự chia sẻ đối với thế hệ Nguyễn Văn Tường – một thế hệ những người có tâm với đất nước nhưng không tìm ra con đường cứu nước – chúng ta càng hiểu thêm những bi kịch mà thế hệ đó phải trải qua. Trong thời gian tới, nhận thức về Nguyễn Văn Tường và thời đại của ông còn được tiếp tục nghiên cứu thêm nữa, và sự phong phú, chính xác của những nguồn tư liệu sẽ còn được khai thác, củng cố thêm niềm tin của chúng ta đối với những kết luận đã được nêu lên qua các cuộc hội thảo gần đây.
Một trong những tư liệu được công bố gần đây có nhắc đến lời ai điếu khi đón nhận di hài Nguyễn Văn Tường về với Tổ quốc. Bài thơ (*g) viếng ấy có thể là của cụ Đào Tấn, gửi gắm một trách nhiệm rất lớn cho chúng ta, những người viết lịch sử:

Quốc kế thị phi lân sử định
Thiên phương sinh tử nhạn thư điêu ((*))
.

Cái chết của những thế hệ đi trước để lại cho chúng ta một di sản, nhưng đồng thời cũng trao trách nhiệm để chúng ta kế thừa. Với cách đặt vấn đề và suy nghĩ như vậy, những cuộc hội thảo vừa qua đã đi được một bước quan trọng, nhưng chưa phải là bước đi cuối cùng, vì sẽ còn nhiều cuộc trao đổi nữa đề cập đến thời đại bi kịch của Nguyễn Văn Tường mà chúng ta có thể làm sáng tỏ thêm nhiều nhân vật lịch sử khác.

Tạp chí Xưa & Nay
(Cơ quan của Hội KHLS. VN.)

(*) Xin vui lòng xem: Gs. Bửu Kế, bài “Toà Khâm sứ Pháp”, trong CHUYỆN TRIỀU NGUYỄN, Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 78 – 101; Trần Xuân An, “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05. 7. 1885”, Hội thảo khoa học: Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) – Các báo cáo khoa học, Trung tâm Khoa học xã hội & nhân văn Huế – Viện Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế ấn hành, Huế – 02. 7. 2002, tr. 59 – 83. Tháng 8. 2003 (HB.3), tự nhuận sắc; in lại trong sách khác. Một đoạn ĐNTL. CB., cần lưu ý: “Từ điều ước tái định đã được phân minh, KHIẾN NƯỚC PHÁP TRƯỚC TỰ BẠI HOÀ GÂY BIẾN, thì phàm ai ở đất vua cũng đều thù ghét [giặc Pháp – ct.], ai bảo là không nên. Không gì bằng CUỘC NGHĨA CỬ ĐÊM 22 THÁNG 5 NĂM NAY [04 – 05.7.1885 – ct.]…” (Đại Nam thực lục chính biên [ĐNTL. CB.], tập 36, sđd., tr. 244), và nhất là bản án chung thẩm: “đều là bè đảng làm loạn” (ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 35; ở chú thích (*d) của phần này).

(*a) Hạnh Thục ca là tác phẩm của Lễ tần Nguyễn Nhược Thị Bích (vợ của Tự Đức; sau khi Tự Đức băng hà, đảm đương chức năng thư kí riêng cho bà Từ Dũ để viết các bản sắc dụ…). Tác phẩm này đã ít nhiều được lưu truyền trong dân gian.

(*b) Nbs. mạn phép được in đậm và in nghiêng để nhấn mạnh. Viết tắt: iđ. & in..

(*c) Xin vui lòng xem: Trần Xuân An, “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05. 7. 1885”, Hội thảo khoa học: Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) – Các báo cáo khoa học, Trung tâm Khoa học xã hội & nhân văn Huế – Viện Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế ấn hành, Huế – 02.7.2002, tr. 59 – 83. Tháng 8.2003 (HB.3), tự nhuận sắc; in lại ở sách khác… Đặc biệt là tiểu mục: 3.b. Nhiệm vụ lịch sử với lập trường kiên định, thái độ chính trị “nhất dạng”; Sự ngộ nhận, xuyên tạc; Thực dân pháp thao túng trong sự nhân danh triều đình; Nỗi khổ tâm của Nguyễn Văn Tường.

(*d) Đình thần, nói theo cách nói của Trần Trọng Kim, “nhiều người đã biết theo chính sách bảo hộ cho nên mọi việc trong Triều đều được yên ổn”. Đình thần ấy cùng Tôn nhân phủ kết án (!): “Tôn nhân phủ và đình thần dâng sớ tâu bày tội trạng của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, xin tước hết quan tước và tịch thu gia sản; tham tri Trương Văn Đễ đã quá cố, và chưởng vệ Trần Xuân Soạn, đều là bè đảng làm loạn, cũng tước cả quan chức. Trong bọn ấy, thì Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, xin do quan địa phương xét bắt bằng được và chém ngay, để tỏ rõ hiến pháp trong nước. Vua nghe theo” (Đại Nam thực lục chính biên [ĐNTL. CB.], tập 37, sđd., tr. 35).

(*e) CAOM. Paris (Centre: Archives d’Outre-mer, dépôt de Paris [:Trung tâm Lưu trữ [Bộ] Hải ngoại, kho đặt tại Paris]), CAOM. Aix (Centre: Archives d’Outre-mer, dépôt d’Aix-en-Provence [: Trung tâm Lưu trữ [Bộ] Hải ngoại, kho đặt tại Aix-en-Provence]), CAAE (Centre: Archives du Ministère des Affaires étrangères [: Trung tâm Lưu trữ của Bộ Ngoại giao Pháp])….

(*g) Câu đối song thất.

((*)) Chú thích của Tạp chí Xưa & Nay:
Kế nước đúng sai trang sử quyết
Phương trời sống chết cánh hồng chao
(Tôn Thất Mạnh Hào dịch).
Đào Tấn cũng là một đại thần triều Nguyễn, được Nguyễn Văn Tường gợi ý về hưu sớm lúc tuổi 40, để chuẩn bị phong trào chống Pháp ở các tỉnh Nam Trung Kỳ.

(1) Xin xem thêm: Lời Toà soạn giới thiệu bài viết của Từ Vân (con gái của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh – bà Oanh là hậu duệ đời thứ tư của cụ Nguyễn Văn Tường). Bài viết ấy được đăng cùng số tạp chí Xưa & Nay ghi trên, tr. 10 – 12. Trong đó, có đoạn khẳng định rõ việc giám định về tính xác thực của tư liệu sưu tầm được: “Những chuyến đi dài ngày đến những nơi xa xôi trên trái đất, cuối cùng đã giúp hai người tìm được trong đống hồ sơ bị lãng quên những tài liệu chân xác liên quan đến Nguyễn Văn Tường”. Về bài viết của Từ Vân, có đoạn thuật lại việc tìm được các tư liệu cực kì quan trọng: “Tim tôi càng đập mạnh khi cầm trong tay tờ điện tín cũ rích mang chữ kí kiêu ngạo của tướng De Courcy đã hơn 100 năm qua, ra lệnh lưu đày Nguyễn Văn Tường ra Côn Đảo, rồi đưa đến Tahiti. Giờ đây, 115 năm sau, cháu gái sáu đời có dịp chứng kiến.
Rồi một sự tình cờ khác bỗng đến trước mắt tôi, một bằng chứng sống động chứa đựng lời buộc tội để kết án Nguyễn Văn Tường chống lại người Pháp: “Văn kiện dùng để nghiên cứu những giai đoạn về vấn đề Bắc Kỳ: Sự nổi dậy” đó là do Tổng Giám mục Puginier soạn. Cái bằng chứng quan trọng này đã làm hai hàng nước mắt của tôi phải chảy ra. Tôi vội gọi điện thoại báo cha mẹ tôi những tin mừng của ngày đầu khám phá” (bài đã dẫn, tr. 11)
.

Nguồn: http://www.bansacvietnam.com


__________________________



Tạp chí Nghiên cứu lịch sử
(Viện Sử học, thuộc Viện KHXH. Việt Nam)
số tháng 5 (348) 2005

Đọc sách

CHIÊU TUYẾT CHO NGUYỄN VĂN TƯỜNG

ĐINH XUÂN LÂM

(GS. Đại học Quốc gia Hà Nội)

Nhà Xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh mới phát hành vào dịp cuối năm 2004 cuốn “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)” của tác giả Trần Xuân An. Đây là một công trình biên soạn công phu, khá đồ sộ, trọn bộ gồm 4 tập với tổng số 983 trang. Sách in đẹp, bìa cứng, giấy trắng, chỉ tiếc rằng ảnh minh họa quá ít.
Ưu điểm của sách có nhiều, về cả hai mặt nội dung và hình thức. Nhưng trước tiên cần nhấn mạnh tới một ưu điểm lớn mà theo tôi đã quyết định các ưu điểm của nội dung và hình thức. Đó là cái tâm của tác giả khi cầm bút.
Ngay mở đầu bộ sách, tác giả Trần Xuân An đã cho biết ông là nội hậu duệ thế hệ thứ năm, và sách này được biên soạn với mục đích “kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ: Nguyễn Văn Tường”. Điều đó làm cho người đọc trước khi đi vào nội dung sách không khỏi nghi ngờ về tính khách quan của bộ sách. Nhưng khi đọc đến dòng cuối cùng bộ sách, người đọc có thể nhận thấy tác giả bộ sách đã bảo đảm chặt chẽ tính khoa học cần có cả về nội dung và phương pháp.
Yêu cầu đầu tiên tác giả tự đặt cho mình là khôi phục được bộ mặt chân chính của nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường lâu nay vẫn bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai các loại cố tình bôi đen vì một lẽ duy nhất ông là một người chống lại chúng quyết liệt nhất. Chẳng phải trong bản án chung thẩm (10-1885, cuối tháng 8 năm Ất dậu) của thực dân Pháp và ngụy triều Đồng Khánh (Đại Nam thực lục chính biên, tập 37, bản dịch Viện Sử học, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 35) chúng đã xếp Nguyễn Văn Tường đứng đầu danh sách 4 người thuộc phái chủ chiến, trước cả Tôn Thất Thuyết hay sao? Về điểm này có thể cho rằng tầng lớp chính trị và quân sự ở Pháp bấy giờ khá tinh quái, chúng định lợi dụng con bài Nguyễn Văn Tường để phục vụ cho ý đồ đen tối của chúng nhưng vẫn cảnh giác theo dõi Nguyễn Văn Tường trong thời gian trở về Huế vẫn bị giam lỏng tại Nha Thương bạc bên bờ sông Hương. Đến khi thấy thất bại trong thảm hại trong âm mưu sử dụng ông, chúng đã trắng trợn đày ông ra hải đảo. Chỉ riêng việc chúng quyết định đày ông ra hải đảo cùng với những nhân vật chủ chiến, như Tôn Thất Đính (cha của Tôn Thất Thuyết) và Phạm Thận Duật (bị bắt trên đường ra Bắc phụ trách phong trào Cần vương), đã khẳng định trước sau ông vẫn chủ chiến, việc trở về Huế cũng là nằm trong kế hoạch chung của phái kháng chiến. Và tại sao lại không đặt vấn đề trong việc Nguyễn Văn Tường cùng Ba cung (chỉ Từ Dũ thái hoàng thái hậu, Trang phi và Học phi) về Huế lúc đầu có ý định để điều đình, thương lượng với Pháp, dọn đường cho vua Hàm Nghi trở lại Huế, như vậy về danh nghĩa vẫn còn nhà nước, còn triều đình (dù cho đã bị ngoại bang chiếm) để chuẩn bị dần cho việc khôi phục về sau. Nhưng do Pháp đã nhanh chóng đặt lên ngôi ở triều đình Huế vua bù nhìn Đồng Khánh nên ý định đó đã thất bại, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết mới phải đi sâu vào con đường vũ trang chống Pháp. Vì nếu không như vậy thì Nguyễn Văn Tường trước sau vẫn là một người chống Pháp triệt để sao lại về Huế lúc đó với mục đích gì?
Cái tâm của tác giả Trần Xuân An không phải chỉ mong làm sáng tỏ một bi kịch lịch sử, khôi phục danh tiết, xác định vị trí của nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường đã bị đánh giá sai lạc suốt trong một thời gian dài và đã từng bị xem là một người phản quốc. Cái tâm của ông do chính ông nêu lên để trần tình với bạn đọc – là qua công trình muốn thể hiện ước mong “mỗi người chúng ta tự đối diện với chính mình”, xem đấy đồng thời “cũng là nỗi ước mong của lịch sử với biết bao xương máu”, điều đó có nghĩa đề cao trách nhiệm của người viết sử, phải phản ánh trung thực lịch sử để không có những nỗi oan khiên kéo dài. Cuối cùng tác giả tuy viết về quá khứ, nhưng vẫn có ý thức gắn với hiện tại, đó là vấn đề bao trùm của đoàn kết dân tộc và đoàn kết nhân loại.
Rõ ràng là với cái tâm trong sáng đó, tác giả Trần Xuân An có điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ và đạt tới mục đích của mình. Tác giả đã mạnh dạn đi vào khai thác các nguồn tư liệu từ nhiều phía, về phía ta, về phía Pháp, những tài liệu gốc được đặc biệt chú ý khai thác, trong số đó có những cuốn sử do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, nhưng luôn luôn có sự liên hệ so sánh, phân tích kỹ lưỡng, đặc biệt gần đây được bổ sung những tư liệu sưu tầm tại Pháp và Tahiti do bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và con gái là Trần Nguyễn Từ Vân, là hậu duệ đời thứ 5 và 6 [thứ 4 và 5 – TXA.] của Nguyễn Văn Tường sưu tầm, trong số đó có nhiều tư liệu khai thác tại các trung tâm lưu trữ hồ sơ của Bộ Ngoại giao, Bộ Hải quân Pháp và tại ngay đảo Tahiti, nơi ông Nguyễn Văn Tường trút hơi thở cuối cùng. Tác giả cũng đặt biệt theo dõi (và tham dự) các cuộc hội thảo khoa học lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20-6-1996, của Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Huế cùng Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế phối hợp tổ chức (2-7-2002), Hội nghị “Thông báo những nghiên cứu và sử liệu về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường trong phong trào Cần vương” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội (1-11-2003) để được cập nhật hơn về thông tin và nhận định đánh giá, trên cơ sở đó có điều kiện suy nghĩ và hình thành những nhận định, đánh giá nhân vật Nguyễn Văn Tường một cách chân thực và khoa học. Kết quả là mặc dù công việc sưu tầm tư liệu ngày thêm phong phú nhưng vẫn phải tiếp tục, trên cơ bản đã có thể khẳng định Nguyễn Văn Tường là một nhân vật chủ chiến đến cùng, cùng Tôn Thất Thuyết bên cạnh vua Hàm Nghi là những người lãnh đạo cao nhất trong phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược nước ta hồi cuối thế kỷ XIX. Đã đến lúc vai trò lãnh đạo của ông trong phong trào Cần vương là một thực tế hào hùng trước kia bị phủ định nay cần được khôi phục lại một cách xứng đáng để không những làm thỏa linh hồn người xưa, làm cho các hậu duệ của Nguyễn Văn Tường rũ bỏ được mặc cảm lâu nay đeo đẳng, mà còn làm cho mọi người chúng ta giải tỏa được một vụ nghi án kéo dài.
Điểm cuối cùng tôi muốn cùng tác giả Trần Xuân An trao đổi là về thể loại sách. Ngay ở trang bìa 1, rồi trang 3, đặc biệt trong “Vài lời thưa trước” từ trang 12, tác giả đã ghi rõ ràng đây là một bộ sách: “Truyện – sử ký – khảo cứu tư liệu lịch sử” và dụng tâm làm rõ với bạn đọc rằng “công trình này mặc dù vẫn thuộc lĩnh vực văn nghệ, nhưng vẫn phải được sự bảo chứng của khoa học lịch sử”. Quả thực người đọc rất chú trọng đến sự phong phú và tính chính xác của các sự kiện lịch sử, lại được điểm xuyết đúng lúc, đúng chỗ đôi phần hư cấu nghệ thuật nên đã làm cho câu chuyện và nhân vật lịch sử trở nên sinh động hơn, lôi cuốn người đọc hòa mình vào trong dòng lịch sử. Tôi cũng hoàn toàn chia sẻ với tác giả ý kiến đó. Nhưng tôi cứ băn khoăn rằng tại sao tác giả lại phải ghi dài dòng “truyện – sử ký – khảo cứu tư liệu lịch sử” mà không ghi đơn giản, ngắn gọn rằng đây là thể loại “lịch sử ký sự” hay “tiểu thuyết lịch sử”. Thực tế ở nước ta đã có nhà văn Nguyễn Triệu Luật viết lịch sử ký sự khá thành công. Những cuốn Hòm đựng người, Bà Chúa Chè, Loạn kiêu binh, Chúa Trịnh Khải, Ngược đường trường thi của ông đều được xây dựng trên cơ sở khai thác sử liệu thời Lê – Trịnh một cách nghiêm túc, được chuyển tải với một hình thức văn nghệ thích hợp đã được bạn đọc trước kia ham thích. Tất nhiên tôi cũng thấy dụng công khai thác tư liệu lịch sử của tác giả Trần Xuân An lớn hơn nhiều, không những đưa tư liệu lịch sử vào chính truyện, mà con có phần chú thích khá kỹ dưới các truyện ký của các tập, mang lại dáng dấp một công trình sử học chính thức. Có lẽ tác giả muốn tăng cường thêm sức mạnh cho các lập luận của mình, có những sự kiện chưa được nói tới hay nói tới chưa sâu trên phần chính văn đều đưa vào phần chú thích, tất cả không ngoài mục đích khẳng định nhân vật trung tâm của mình. Nhưng dù sao thì phần “khảo cứu tư liệu lịch sử” theo tôi vẫn lạc lõng trong một cuốn truyện ký (*).
Trên đây là một số ý kiến nhân đọc “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)”, một công trình biên soạn công phu, một cuốn sách hay, rất đáng đọc. Mấy ý kiến trong bài viết nhỏ này, mong được trao đổi rộng rãi trước hết với tác giả và sau với đông đảo các bạn đọc thân mến.

Tháng 1 – 2005
GS. ĐINH XUÂN LÂM

Tạp chí Nghiên cứu lịch sử
(Viện Sử học, thuộc Viện KHXH. Việt Nam)
số tháng 5 (348) 2005, tr. 71 – 73.

(*) Ý kiến Trần Xuân An khi đọc bài viết này trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số tháng 5 (348) 2005: Tôi rất biết ơn GS. Đinh Xuân Lâm đã quan tâm đến bộ sách này, thể hiện qua việc GS. đã đọc kĩ và đã viết bài “chiêu tuyết cho Nguyễn Văn Tường”. Chỉ xin có một ý kiến nhỏ về phần “khảo cứu tư liệu lịch sử”. Có lẽ GS. Đinh Xuân Lâm muốn thể tất cho các nhà văn, không yêu cầu gắt gao đối với những người vốn giàu trí tưởng tượng, trong công đoạn nghiên cứu, khảo chứng tư liệu lịch sử khi viết về đề tài lịch sử, để không gò bó năng lực hư cấu nghệ thuật của họ. Tuy nhiên, để thực sự có giá trị thuyết phục về tính xác thực sử học, cuốn sách không thể thiếu phần khảo cứu tư liệu lịch sử với hàng ngàn chú thích xuất xứ tư liệu, trưng dẫn tư liệu và thẩm định, đối chiếu tư liệu như thế. Xin được kính thưa như vậy, sau khi đã viết ở phần dẫn nhập: “Vài lời thưa trước” (PCĐT. NVT., sđd., tr 12 – 19). TXA.

Nguồn: http://www.bansacvietnam.com


________________________________



Báo Sài Gòn giải phóng,
ngày [12 &] 13-3-2005

NGUYỄN KHẮC PHÊ

SỰ CÔNG BẰNG LỊCH SỬ VỚI MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ

Thời buổi “tốc độ” bây giờ, cầm cuốn sách trọn bộ gần 1.000 trang, khổ lớn nặng trịch, dù trong lòng thầm phục công phu của tác giả, người đọc cũng thấy ngại, nhất là khi tác giả thể nghiệm một cách viết chưa có tiền lệ, nên loại hình tác phẩm đã phải mang một dòng khá dài: truyện - sử ký - khảo cứu tư liệu lịch sử. Nhưng chính cách viết mới mẻ của Trần Xuân An, và nhất là cuộc đời của nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường vốn chịu những luồng đánh giá phức tạp, ít ra cũng đã khiến độc giả phải tìm đọc.
Với vị trí Đệ nhất Phụ chính đại thần (tương tự như Thủ tướng), khi đất nước phải đối đầu với những bước chân xâm lược của thực dân Pháp, Nguyễn Văn Tường là một trong bốn đại thần đứng đầu phe chủ chiến (Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Trương Văn Đễ, Trần Xuân Soạn), nhưng tình huống éo le của lịch sử đã khiến ông phải nhận sự phân công ở lại Huế sống cùng giặc, trong lúc vua Hàm Nghi rời kinh thành, xuống chiếu cần vương, để rồi bị ngộ nhận, bị nhiều sách báo viết về lịch sử lên án là kẻ đầu hàng chống lại phe chủ chiến!
Qua nhiều tư liệu và lý lẽ, sự kiện ông bị giặc Pháp bắt đày tít tận đảo Tahiti gần xứ Nam Mỹ xa lắc (trước đó, chúng đã giam ông ở Côn Đảo nhưng không yên tâm!) rồi chết thảm thương ở đấy (năm 1886), đủ để đặt vấn đề ông là người như thế nào.
Vậy nhưng phải đợi đến thời đất nước “Đổi mới”, mở đầu là Hội nghị khoa học Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường do Trường Đại học Sư phạm TPHCM chủ trì (6-1996), tiếp theo là Hội thảo khoa học Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường do Trung tâm Khoa học Xã hội - Nhân văn Đại học Huế và Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế chủ trì (7-2002), rồi Hội nghị Thông báo những nghiên cứu và sử liệu về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường trong phong trào Cần Vương do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức (Hà Nội, 11 - 2003), “vấn đề Nguyễn Văn Tường” mới được bàn luận một cách công khai, những trang sử cũ mới được soi rọi với cách nhìn khách quan và tôn trọng sự thật, đưa đến kết luận: Nguyễn Văn Tường là “đại quan yêu nước dưới triều Nguyễn” (GS Trần Văn Giàu).
Cần phải nói thêm, những tư liệu gốc mà bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh (hậu duệ của Nguyễn Văn Tường) và con gái, Trần Nguyễn Từ Vân, bỏ nhiều công phu sưu tầm tại Pháp và tận đảo Tahiti đã là chỗ dựa tin cậy cho kết luận nói trên.
Trần Xuân An đã “nhìn nhận nhân vật lịch sử một cách biện chứng, làm cho nhân vật Nguyễn Văn Tường trở nên sống động trong cái không gian và thời gian của một tấn bi kịch lớn - tấn bi kịch của cả một dân tộc và một triều đại đang phải đối diện với họa xâm lăng giày xéo” (Lời giới thiệu của nhà sử học Dương Trung Quốc).
Với rất nhiều công phu và sự cẩn trọng đặc biệt trong việc sử dụng, trích dẫn tư liệu (có cả ngàn chú thích tỉ mỉ tất cả những chất liệu “xây” nên công trình lớn này), tác giả đã tạo nên được sự tin cậy cho người đọc về một cách nhìn nhận công bằng nhân vật Nguyễn Văn Tường.
Nhưng có lẽ do quá chú trọng vào chất “ký” với mục đích xác tín sử học này, phần “truyện” trong công trình có thể loại tổng hợp của tác giả chưa phát huy được thế mạnh của nó, do đó tâm lý nhân vật, những trăn trở đau đớn của Nguyễn Văn Tường trong những tình thế oái oăm chưa gây được ấn tượng mạnh mẽ.
Trước cuốn sách này, Trần Xuân An đã in 7 tập thơ và 3 cuốn tiểu thuyết. Với tư liệu đầy ắp và tay nghề đang độ chín, liệu anh có thể dựng một tiểu thuyết về nhân vật Nguyễn Văn Tường thể hiện được những ý tưởng sâu sắc và có sức cuốn hút người đọc?

NGUYỄN KHẮC PHÊ
(nhà văn)

* Nhân đọc cuốn “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường 1824-1886” của Trần Xuân An, NXB Văn nghệ TP.HCM, 12-2004.

Bài viết trên của nhà văn Nguyễn Khắc Phê cũng đã được đăng tải trên tập san Thời Văn (NXB. Văn Nghệ TP. HCM.), quý 1, 2005 và trên báo Thừa Thiên - Huế cuối tuần, số 269, ngày 10 – 13-3-2005.

Nguồn: http://www.bansacvietnam.com


_____________________________



Tạp chí Huế Xưa & Nay
số 68 (3 – 4) 2005
mục Thông tin lịch sử – văn hoá Huế, tr. 103 - 104

BỘ TRUYỆN - SỬ KÝ - KHẢO CỨU TƯ LIỆU LỊCH SỬ
"PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 - 1886)"


Bộ truyện - sử ký - khảo cứu tư liệu lịch sử “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)” của Trần Xuân An, NXB Văn Nghệ TPHCM, 12.2004, là một công trình khá lớn và quy mô với cách nhìn biện chứng đã góp phần nhận diện đích thực nhân vật lịch sử vốn được luận bàn xuyên thế kỷ gắn liền với giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc.
Sự nghiệp Đổi Mới đã tạo điều kiện nhìn nhận toàn diện hơn về Nguyễn Văn Tường, đặc biệt là sau ngày Thất thủ kinh đô 23- 5- Ất Dậu. Sau các hội nghị: Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, ĐHSP TPHCM (1996); hội thảo Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886), TTKHXH. & NV. Huế - Đại học Huế & Hội KHLS Thừa Thiên Huế (2002); hội nghị Thông báo nghiên cứu và sử liệu về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường trong phong trào Cần Vương, Hội KHLS Việt Nam (2003) cùng những phát hiện tư liệu được thẩm định đã tiến một bước dài trong việc đánh giá nhân vật lịch sử này.
Với cách tiếp cận hoàn toàn mới, tác giả đã công phu “xây dựng” lại toàn bộ cuộc đời và công nghiệp của Nguyễn Văn Tường từ khi còn là cậu học trò “tên trùng với quốc tính không chịu đổi” (Quốc triều hương khoa lục, Nxb. TP. HCM., 1993, tr 297) tới khi trở thành một “đại quan yêu nước dưới triều Nguyễn” (GS. Trần Văn Giàu). Trên cơ sở những tư liệu lịch sử tin cậy, tác giả đã góp phần lý giải những uẩn khúc xung quanh nhân vật lịch sử này. Với bản án chung thẩm của thực dân pháp và nguỵ triều Đồng Khánh mà Nguyễn Văn Tường đứng đầu danh sách trong số 4 người trong chủ chiến là Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Trương Văn Để, Trần Xuân Soạn (ĐNTL, tập 37, tr 35) đủ chứng minh về chỗ đứng đích thực của ông.
Tác giả đã sử dụng một dung lượng lớn các chú thích và tài liệu tham khảo cùng những thông tin tư liệu mà tác giả dày công sưu tầm chứng tỏ một thái độ khách quan, khoa học trong công trình đầy tâm huyết. Cuốn sách đã góp phần “giúp người ta nhận ra một Nguyễn Văn Tường không những không cách biệt mà gắn bó làm một với những người lâu nay được xếp sang một chiến tuyến riêng - chủ chiến - như vua Hàm Nghi hay Tôn Thất Thuyết”... như lời giới thiệu của Tổng thư ký Hội KHLS. Việt Nam Dương Trung Quốc.

PV
Bài viết này còn được đăng tải
trên website Bản sắc Việt Nam


Nguồn: http://www.bansacvietnam.com
PV (Lê Tiến Công)


_______________________



Báo Thanh Niên
ngày 25/01/2005

XUẤT BẢN BỘ TRUYỆN - LỊCH SỬ
"PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG"


Nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh vừa in xong bộ sách Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886) của Trần Xuân An, trọn bộ 4 tập, in chung - 985 trang, với lời giới thiệu của nhà sử học Dương Trung Quốc - đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam:
"Đây là bộ sách được viết rất công phu. Trước hết (người viết sách) đã chọn một đề tài không dễ về một nhân vật mà tính phức tạp ở sự đánh giá đã kéo dài nhiều thập kỷ. (Đến nay) người ta nhận ra một Nguyễn Văn Tường không những không cách biệt mà còn gắn bó làm một (với những người chủ chiến như Tôn Thất Thuyết) nhờ vào những phát hiện về sử liệu cũng như những phân tích mà nhiều cuộc hội thảo sử học đã tiến hành trong một thập kỷ vừa qua".
Dựa theo những kết luận của giới sử học, Trần Xuân An xây dựng tác phẩm bằng một thể loại tự mình đưa ra và thể nghiệm: truyện - sử ký - khảo cứu tư liệu lịch sử. Phần tư liệu in kèm và chú thích tỉ mỉ không chỉ để dẫn chứng cho phần sáng tác mà còn minh chứng khả năng tiếp cận với sự thật lịch sử của tác phẩm. Tác giả Trần Xuân An năm nay 49 tuổi, người Huế, quê gốc Quảng Trị, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế (1978), dạy học tại Lâm Đồng (từ 1978 - 1983), đã xuất bản 10 tập thơ, trường ca, tiểu thuyết, hiện sống và sáng tác tại TP Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu Trần Xuân An cho ra mắt một cuốn sách thuộc loại truyện khảo cứu của mình, phát hành vào giáp Tết Ất Dậu 2005.

Giao Hưởng
Nguồn: Báo Thanh Niên, ngày đăng: 25/01/2005

Nguồn: http://www.bansacvietnam.com

0 Comments:

Post a Comment

<< Home