Tệp 5 – Tập IV Blog C
(trọn truyện kí cuối)
Tiếp theo tập IV Blog B
http://tranxuananpcdtnvt4b.blogspot.com/PHẦN CUỐI
(1885 – 1886)
TRẦN XUÂN ANTHÁNG NGÀY BỊ LƯU ĐÀY
VÀ CÁI CHẾT
Ở HÒN ĐẢO LAO TÙ BIỆT XỨTruyện kí cuối(trọn)
1
Không phải bất ngờ, nhưng phụ chính Nguyễn Văn Tường vẫn không khỏi có một chút gì đó xáo động trên sự điềm tĩnh trong ông. Sự điềm tĩnh ấy ông đã rèn luyện nên và mặc nhiên được hình thành do chuỗi dài thời gian hoạt động phải thường xuyên gặp phải những biến động bất ngờ, phải thường xuyên đối phó với những bất trắc, có khi không lường trước được. Với sự điềm tĩnh ấy, với ý thức cùng thái độ không chịu đầu hàng, bó tay trước kẻ thù là bọn Pháp, trong hai tháng bị giam giữ một cách đặc biệt nhưng hết sức nghiêm ngặt của tên đại uý Schmitz và đội quân viễn chinh, lê dương (légionnaires étrangères) của y (1), ông đã đoán trước ngày giờ này.
Sáng sớm hai mươi bảy tháng bảy năm Ất dậu (05.07.1885), tại Nha Thương bạc, tên đô thống De Courcy, tên khâm sứ De Champeaux cùng Schmitz và một số tên lính Pháp, Ả Rập gõ cửa bước vào phòng làm việc cũng là nơi ăn chốn ngủ của phụ chính Nguyễn Văn Tường.
Trong khi tên đại uý Schmitz cùng mấy tên lính đứng phía sau lưng chiếc trường kỉ, De Courcy và De Champeaux ngồi đối diện với phụ chính Nguyễn Văn Tường.
- Chắc quan phụ chính không bất ngờ khi chúng tôi đến đây như thế này?
Phụ chính Nguyễn Văn Tường bảo:
- Ông có thể nói tiếp!
De Courcy hơi nhíu mày tỏ vẻ cau có:
- Quan khâm sứ! Tôi là tướng quân đội, chỉ quen nói chuyện bằng súng đạn thôi. – Y hất hàm về phía De Champeaux –. Anh có thể nói tiếp cho ông ta nghe lí do. Và quan khâm sứ hãy nói thật nhanh gọn, sau đó tuyên đọc cái gì cần phải đọc cho đúng thủ tục.
- Vâng. – De Champeaux rút ra từ chiếc cặp đựng giấy tờ một văn bản –. Thưa ngài đệ nhất phụ chính nước Đại Nam, hôm nay là ngày năm (05) tháng bảy năm 1885, đã hết hạn hai tháng mà đô thống kiêm quản Trung – Bắc Kì quân dân sự vụ De Courcy đã điện về Paris xin chính phủ nước Pháp cộng hoà gia hạn cho ông (2). Đến giờ phút này, đã hết thời gian được gọi là ân huệ cuối cùng giành cho ông để củng cố lại triều đình Đại Nam và ổn định cả Bắc Kì. Kì thực, ông chỉ trá hàng! Nhưng tiếc thay cho ông, thời hạn đã hết. Ông cũng hiểu rõ điều đó. Nay chúng tôi, gồm tướng De Courcy, khâm sứ De Champeaux, phải chấp hành lệnh của chính phủ Pháp, giải giao ông vào Phủ suý Gia Định. Từ đó, chính phủ Pháp sẽ cắt cử người và tàu chở ông đi đến chốn lao tù nào chúng tôi không thể biết, vì ở ngoài phạm vi quyền hạn của chúng tôi.
Phụ chính Nguyễn Văn Tường cố nhếch mép mỉm cười, nhưng gương mặt ông sững sờ bất động. De Champeaux những trông giây phút này từ lâu lắm rồi, nhưng đến lúc này, dẫu sao trong y vẫn có một thoáng nhỏ chạnh lòng. Nhưng y vội xua ngay thoáng nhỏ chạnh lòng mà y thường tự bảo là phần yếu đuối của con người, nhất là trước kẻ thù không thể đội trời chung của nước Pháp và của y là viên phụ chính Nguyễn Văn Tường kia. De Champeaux bỗng quắc mắt như một con thú dữ. Y đứng dậy, trong tư thế nghiêm chỉnh của một người thừa lệnh cấp tối cao của y, y đọc bản án do chính tổng thống Pháp và thủ tướng Pháp kí duyệt, theo đúng thủ tục. Sau đó, y nói:
- Thưa ngài phụ chính, đúng theo thủ tục nước Cộng hoà Pháp, chúng tôi sẽ niêm yết cáo thị, thông tri cho các tỉnh.
Phụ chính Nguyễn Văn Tường nghe xong, sau một lát, ông quay lại viên thông ngôn của mình, bảo:
- Quan tư vụ hành nhân, anh hãy dịch văn bản ấy bằng giọng nói thật rõ ràng cho mọi người Việt ở đây cùng nghe.
- Bẩm, vâng. – Và viên tư vụ hành nhân cầm lấy văn bản từ tay De Champeaux để phiên dịch –.
- Ông có muốn nói gì nữa không, thưa quan phụ chính? – De Courcy hỏi –.
- Tôi chỉ chợt nhớ đến hoàng đế Napoléon đệ tam của các ngài khi bị quân Đức thắng trận bắt được hồi năm Tân mùi 1871. Tôi chỉ là đệ nhất phụ chính, thượng thư đầu triều, tương tự như cố vấn của nhà vua ở các nước, và đồng thời tương tự như thủ tướng của nước các ông, nhưng tôi mong các ông hãy nhớ rằng tôi không đến nỗi phải chấp nhận cắt hẳn hai tỉnh Alsace, Lorraine, và tôi cũng muốn nhắc nhở các ông không nên kém văn minh hơn nước Đức trong sự đối xử.
De Courcy rít lên:
- Ngài phụ chính, sao ông lại muốn tiếp tục khiêu khích chúng tôi? Ngài nên nhớ, nước An Nam này đã vĩnh viễn là xứ “bảo hộ” của nước Pháp, và ngài không được một đặc ân nào, phải chịu lưu đày biệt xứ cho đến chết. Nói thẳng ra, nếu không có chỉ thị của chính phủ Pháp, ngài hẳn không còn tồn tại đến hôm nay trên đời này để mà khiêu khích!
Phụ chính Nguyễn Văn Tường mỉm cười:
- Luật đời thắng bại vốn thế này đây: Kẻ thắng giết chết hoặc bắt tù kẻ bại. Tôi chẳng phàn nàn chi. Có điều, tôi chỉ đề nghị các ngài nhớ đến nền văn minh, văn hoá của Phương Tây hiện thời cũng như Phương Đông ngày nay, những điều các ông cứ mở mồm là nhắc đến một cách rất… Rất gì nhỉ?… – Phụ chính Nguyễn Văn Tường vờ tìm từ ngữ để diễn đạt –. Nhưng rất tiếc làm gì có văn minh, văn hoá trong cuộc viễn chinh cướp nước. Các ông hãy cứ làm những gì theo bản chất của chính phủ Pháp các ông!
De Courcy hùng hổ, hằm hằm đứng dậy, nói như hét:
- Hãy trói ông ta lại và dẫn xuống tàu thuỷ, đưa vào giải giao cho Phủ suý Gia Định, thế là xong. Không nói gì nữa! “Mọi thủ tục luật định đã hoàn tất”. Anh sĩ quan phụ trách điện báo, hãy đánh điện về Paris như thế. Chấm hết. Thi hành ngay!
Những tên lính lê dương, viễn chinh lầm lì tiến đến.
- Khoan! – De Champeaux nói –. Ông nhớ là có một điều khoản ân huệ trong văn bản vừa rồi, ông có thể mang theo một số người lính hầu, nhưng không quá năm người. Vậy hãy cho tôi biết tên họ để lập danh sách.
Những viên lính hầu cận trung thành nhất vẫn ở tại Nha Thương bạc này với phụ chính Nguyễn Văn Tường suốt đúng hai tháng nay. Họ đang đứng sau ông, phía góc nhà, theo đúng tư thế quy định. De Champeaux ghi tên họ của các viên ấy.
Xong xuôi, De Champeaux nói:
- Đại uý Schmitz! Hãy thi hành công vụ!
Tên đại uý Schmitz liền lầm lì tiến đến, y nói:
- Phạm nhân lưu đày biệt xứ Nguyễn Văn Tường! Ông đã nghe rõ lệnh bắt. Hãy đứng dậy và đưa tay chịu trói. Tôi nói trước, theo luật pháp, đến giờ phút này, nếu ông chống cự việc trói giải giao, chúng tôi sẽ không nể nang nữa đâu!
Những viên hầu cận uất ức đến bừng nóng cả đầu. Họ không thể kìm nén được nữa, liền đứng sát vào lưng và hai bên quan phụ chính của họ.
Phụ chính Nguyễn Văn Tường ôn tồn bảo:
- Ai muốn theo ta thì đi, ai muốn ở lại thì cứ ở lại. Đừng lo, đừng buồn. Sự đời là thế. Ta chỉ hận là không thể tiếp tục đấu tranh cho đến khi Đất nước được độc lập như xưa. Các ngươi cứ để cho chúng thi hành theo lệnh của chính phủ chúng, để qua đó thấy nước Cộng hoà Pháp mà chúng cứ vênh vang tự hào là như thế nào!
Có vài viên hầu cận bỗng trào nước mắt.
Chính tên Schmitz đã trói hai khuỷu tay, phía sau lưng quan phụ chính. Y đẩy nhẹ và nói:
- Ông hãy bước theo chúng tôi.
Dưới bờ sông Hương, một chiếc tàu thuỷ hạng trung đang nổ máy sẵn. Phụ chính Nguyễn Văn Tường và năm người lính hầu bị dẫn xuống bến sông. Có đến hàng ngàn tên lính Pháp, Ả Rập đang vây bủa, làm hàng rào, vành đai bốn phía quanh khu vực Nha Thương bạc. Ông chợt thấy ở trạm gác đầu đường, phía cầu Gia Hội, thân nhân ông, gồm những người vợ và những người con thân thương của ông đang đứng nhìn, khóc ràn rụa, đang bị bọn lính lê dương, viễn chinh cầm súng doạ nạt, cản lại.
Phụ chính Nguyễn Văn Tường lần đầu tiên cúi gục đầu khi thấy cảnh đau lòng đó. Nhưng chỉ trong một thoáng, ông ngẩng đầu lên.
Gió sông thổi trong nắng tháng chín hanh hao, nghe se sắt…
Tàu thuỷ rời bến, chạy về phía cửa Thuận An.
Không một lời từ giã, hai tên thực dân đô thống, khâm sứ, tên đều lót chữ “De” quý tộc, đều nhếch mép cười, xua đi chút cảm xúc yếu đuối của con người trong chúng, để tận hưởng niềm khoái trá man rợ của chúng khi đã bắt đày ải một đệ nhất phụ chính, người đã từng nắm cả vận mệnh nước Đại Nam này. Cả hai tên đều cố ghi nhớ và tự bảo sẽ thông báo tin tức về chiến công lẫy lừng của chúng trên sách báo: Đánh chiếm kinh đô, thu được vô số vàng bạc, bảo vật (3), lưu đày quan đệ nhất phụ chính một nước! Có gì khoái trá hơn!
2
Tháng tám Ất dậu (tháng 09.1885), ngay sau khi lên ngôi, tên vua ngụy đầu tiên do người Pháp đưa lên ngai vàng nhà Nguyễn, vốn có tên là Ưng Kỹ, được chúng và bọn tay sai gợi ý chọn niên hiệu. Đó là Đồng Khánh. “Đồng Khánh”, có nghĩa là cùng mừng vui. Pháp và Đại Nam đều hể hả! Nước mất vào tay giặc Pháp, phải chịu ách nô lệ từ vua cho đến người thường dân với thân phận nhỏ bé nhất xã hội, thế mà mừng vui, hể hả là cả một tấn trò bi hài.
Ngụy triều Đồng Khánh ngay lập tức cảm ơn nước Pháp đã xâm lược nước mình!!! Bản chất vô sỉ này được tên
“xem gió chuyển buồm” đốn mạt Nguyễn Hữu Độ bày vẽ. Quan thầy của Nguyễn Hữu Độ lại là De Courcy và De Champeaux. Tất nhiên, bản chất Nguyễn Hữu Độ vốn thế, nên hai tên Pháp thực dân này rất khoái trá khi kiếm được một viên quan có phẩm chất đặc trưng của loài chó, biết vâng lệnh, thi hành lệnh, một cách mị dân trắng trợn, đến mức đáng kinh ngạc.
Ngụy vương Đồng Khánh liền chuẩn y quốc thư tạ ơn gửi chính phủ Pháp do Nguyễn Hữu Độ và cả Phan Đình Bình viết. Ngoài những câu vô sỉ đến mức xuyên tạc hoặc nhấn mạnh, phóng đại đến mức quá đáng sự giúp đỡ của nước Pháp đối với Gia Long, chỉ vì mục đích nịnh hót “mẫu quốc Pháp”, còn có những câu xuyên tạc, bôi nhọ triều Tự Đức, hai vị phụ chính yêu nước, chống Pháp, chống bọn xu thời, tay sai. Đến lúc này, hai phụ chính ấy bị gọi là “quyền thần” (thần tử chuyên quyền)!
“… Thế tổ Cao hoàng đế tôi, trước khi trung hưng, quý quốc giúp đỡ thực nhiều. Đến Dực tông Anh hoàng đế, giữ tín thành, sửa hoà hảo, hơn hai mươi (20) năm, không có hiềm khích chút nào [?!?]. Việc ấy vạn quốc thiên hạ cùng đều nghe biết ca [?!]û. Quyền thần là Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết giả mạo [?!] lộng quyền của nước, tự ý làm bậy [?!]. Ngày hai mươi ba (23) tháng năm (5) năm nay, kinh thành thất thủ, xe tiên đế [Hàm Nghi] dời đi, hai người ấy thực là căn nguyên của tai vạ. May nhờ lượng rộng quý quốc, không nỡ làm tuyệt dòng dõi, cướp lấy đất đai, nhân dân [!];khiến cho quả nhân này được vào nối ngôi lớn, làm chủ xã tắc [!]. Lại nhờ được quý vị, quý đô thống đại thần là Cô Suy [De Courcy], phó đô thống đại thần là Ba Duy Đam [Prudhomme], Lại bộ thượng thư đại thần là Sinh Bích [Silvestre], hợp sức giúp đỡ được chu toàn, các việc đều ổn thoả cả. Non sông, cây cỏ nước Đại Nam lại có ngày nay, đều là ơn của quý quốc [?!]. Có lòng nhân [?!], làm việc nghĩa [?!], vạn quốc đều khen, đâu phải chỉ một nước tôi cảm ơn [?!].
Vả lại, nước tôi hẻo lánh ở một nơi xa, từ trước đến nay, về việc hoà hảo, chỉ có thần với dân [chứ không phải hoàng tộc!!!], thường thường nghi ngại, ngăn trở, thực là sợ quý quốc không bao dong cho.
Nay quý quốc vừa mới lấy nước xong, liền trả cho ngay, bảo hộ cho, mới biết quý quốc vốn không có lòng tranh lấy nước Nam [?!]… ” (4) .
Mọi giá trị đều bị đảo lộn! Xuyên tạc! Bôi nhọ! Điếm nhục cả tổ tông tiên triều, phủ nhận quá trình gần ba mươi năm (1858 – 1885, và cả trước đó) triều Nguyễn đã chống Pháp, “tả đạo” một cách hào hùng, bi tráng, đau thương, cay đắng, lại đặt điều cho cả công thần chính nghĩa để cảm tạ giặc Pháp, thậm chí tự ngu muội hoá để ca ngợi chiêu bài “bảo hộ” mị dân bịp bợm! Thật không có triều đại nào trong lịch sử từ xa xưa đến bấy giờ lại ô nhục như ngụy triều Đồng Khánh. Nếu có chăng, cũng chỉ là các triều đại ở các nước cùng thời với triều đại Đồng Khánh, dưới ách xâm lược Phương Tây, trước chiếc bánh vẽ “bảo hộ” không ai mượn vẽ, ngoài bọn “tả đạo”. Từ ngữ đều bị đánh đĩ (đĩ hoá) đến mức trâng tráo để diễn đạt mọi điều, mọi giá trị theo tiêu chí ngược!
Ngụy triều Đồng Khánh chấp nhận một lệ mới, mọi thư từ, văn bản từ nội trị cho đến ngoại giao đều phải có quan thầy Pháp gợi ý, đọc duyệt trước, cuối cùng là sửa chữa theo ý chúng. Khi De Courcy, De Champeaux, Prudhomme và Silvestre đọc dạng bản (bản thảo) quốc thư ấy, chúng phì cười, rồi tức cười, ôm bụng cười hô hố, ha há đến lộn ruột.
Tháng chín Ất dậu (1885), ngụy triều Đồng Khánh còn phong hàm tước, huân chương cho những tên đầu sỏ giặc cướp nước với tờ chế sắc phong đầy rẫy lời lẽ nịnh hót, ngược đời:
“… Gần đây, quyền thần làm bậy, gây hấn chiến tranh. Thế mà quý quốc [Pháp] bền lòng giữ tình giao hiếu, không tranh giành, bỏ thù oán, chỉ nói đến tình, mưu [triều] chính mới, trừ tệ xưa, lấy công làm thích, khiến cho chuông treo ở giá, nay vẫn như xưa, ví như khuyết mẻ âu vàng, lại tròn như cũ, ơn mộc qua [:chinh chiến] trọng hậu [?!]. Tặng vinh hiệu vẻ vang, nay tấn tôn làm bảo quốc công, đáng kể đến công, gọi là chút báo [đáp]…” (5) !
Bọn thực dân cướp nước như De Courcy, De Cham-peaux, Prudhomme và Silvestre không thể không cười lộn ruột!
3
Một sáng tháng tám nguyệt lịch Ất dậu (1885), buổi thiết đại triều vẫn ở Điện Thái hoà. Ngụy vương Đồng Khánh vẫn ngồi trên ngai vàng. Bên dưới, phía trước mặt y, các đại thần vẫn áo mão như điển lệ. Tuy nhiên, bên cạnh các đại thần còn có các tên thực dân Pháp “kèm cặp”. Đồng Khánh hầu như không còn lo âu gì nữa, ngoài nỗi lo nơm nớp là bị bọn Pháp lôi cổ xuống khỏi ngai vàng, tống vào ngục tối hoặc xuống huyệt đào sẵn.
Khi một viên quan Bộ Lễ xướng khai triều xong, Nguyễn Hữu Độ liền tuyên bố chương trình nghị sự, trong đó đề mục y nhấn mạnh nhiều lần là triều nghị về “bè đảng làm loạn” (6). Sau đó, y mời De Courcy. De Courcy liền đứng dậy trước tên vua ngụy vừa đáng khinh bỉ vừa đáng tội nghiệp, lại quay mặt ra phía hàng trăm vị quan từ thượng thư đến tri huyện kinh đô. Y nói:
- Tôi được mời đến đây tham dự buổi thiết đại triều. Các đề mục trong chương trình nghị sự, xin để lại sau đề mục nghị xử
“bè đảng làm loạn” (6) . Đề mục này tôi phải đại diện cho nước Pháp để cùng quý quốc Đại Nam phán quyết.
Linh mục hành nhân Nguyễn Hữu Cư liền phiên dịch ra tiếng Việt. Linh mục hành nhân Nguyễn Hoằng và kí lục Hinh cũng có mặt trong nhóm thông ngôn.
Quan Bộ Hình liền đọc bản cáo trạng của Bộ mình. Tiếp đến là bản luận tội của Tôn Nhân phủ.
Không khí Điện Thái hoà bỗng chìm vào im lặng. Không một ai nói gì về sự kết án ngược ngạo đó, bởi ai cũng biết rằng từ đây tất cả mọi việc, mọi điều đều do các tên thực dân Pháp “bảo hộ” cả, phản đối cũng bằng thừa và chỉ chuốc lấy tai hoạ với loại bản án vô cùng phi lí tương tự như thế.
Nguyễn Hữu Độ liền đốc thúc:
- Xin các quan từ chính khanh đến kinh huyện lên tiếng nghị xử.
Nguyễn Hữu Độ không ngượng với các quan Việt có mặt về giọng điệu nịnh hót, y lại hối thúc:
- Các quan hãy phát biểu, chớ để các quan lớn Pháp mất lòng.
Kế đó là Phan Đình Bình. Tên quan họ Phan này có con gái là vợ của Dục Đức (Ưng Chân), nên y rất tiếc nuối là con gái mình bị truất khỏi chức hoàng [quý] phi, vì Dục Đức đã bị hai phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết phế bỏ. Lời luận tội của Phan Đình Bình khiến các quan đều ngán ngẫm. Sau đó có nhiều tiếng phê phán, phê phán mạnh nhất là những hoàng thân bị triều thần và hai phụ chính “quyền thần” (!)lưu đày vì tội câu kết với Pháp.
Một đại quan phản biện:
- Tâu hoàng thượng, thưa quan đô thống Pháp và các quan Pháp khác có mặt ở đây, tôi xin xét lại trường hợp cố tham tri Trương Văn Đễ!
Nguyễn Hữu Độ cảm thấy tức giận:
- Trương Văn Đễ cũng như ba tội nhân kia đều là bè lũ làm loạn. Chính tên Đễ đã đồng mưu trong sự biến tấn công Sứ quán và Mang Cá, (đó là một tội), lại nhận nhiệm vụ cản hậu, chặn đường quan binh Đại Pháp và đạo binh giáo dân truy kích tên nghịch thần Tôn Thất Thuyết (đó là một tội), lại nhận nhiệm vụ đón rước nghịch vương Hàm Nghi (đó là một tội). Ba tội tày trời mới đây là thế, còn chuyện phế lập trước đây chưa tính. Các quan Pháp đều có bằng chứng cụ thể, đã mời Bộ Hình xác nhận.
Một viên quan lại tâu:
- Tâu, còn về Ông Ích Khiêm, sao không thấy bàn đến?
Nguyễn Hữu Độ trả lời:
- Ông Ích Khiêm chết từ năm ngoái, năm Giáp thân (1884), không dính líu đến sự biến tấn công Sứ quán và Mang Cá ngày hai mươi ba tháng năm Ất dậu (1885) vừa rồi, nên quan Pháp không xét xử trong hôm nay.
Những tên Pháp gật đầu sau lời dịch ra tiếng Pháp của linh mục thông ngôn Nguyễn Hữu Cư, để xác nhận điều Nguyễn Hữu Độ vừa nói.
Cuối cùng, De Courcy luận tội. Y xếp tên phụ chính Nguyễn Văn Tường lên đầu danh sách bốn vị quan thuộc nhóm chủ chiến. Y đặc biệt xoáy sâu vào việc Nguyễn Văn Tường cùng Tôn Thất Thuyết chủ trương tấn công Sứ quán và Mang Cá, rồi phụ chính đệ nhất lại giả vờ
“không biết chi hết” . Y nói tiếp, còn hai tháng sau ngày 05.07.1885 (hai mươi ba tháng năm Ất dậu),
“lão phụ chính quỷ quyệt (!)” Nguyễn Văn Tường ấy chống đối nước Pháp, quan tướng Pháp như thế nào, ai cũng biết rõ, và biết rõ nhất về sự chống đối đó của Nguyễn Văn Tường là các triều thần, biên thần, trong đó có chính y (đại ngụy thần Nguyễn Hữu Độ!).
Và ngụy vương Đồng Khánh chuẩn y bản án, ra dụ thi hành án ngay! Đó là bản án chung thẩm của ngụy triều Đồng Khánh (có chữ kí của De Courcy) (7) về Nguyễn Văn Tường và ba thành viên khác của nhóm chủ chiến Triều đình Huế, tháng tám Ất dậu (cuối tháng 09.1885):
“TÔN NHÂN PHỦ VÀ ĐÌNH THẦN DÂNG SỚ TÂU BÀY TỘI TRẠNG CỦA NGUYỄN VĂN TƯỜNG VÀ TÔN THẤT THUYẾT, XIN TƯỚC HẾT QUAN TƯỚC VÀ TỊCH THU GIA SẢN; THAM TRI TRƯƠNG VĂN ĐỄ ĐÃ QUÁ CỐ, VÀ CHƯỞNG VỆ TRẦN XUÂN SOẠN, ĐỀU LÀ BÈ ĐẢNG LÀM LOẠN, CŨNG TƯỚC CẢ QUAN CHỨC. TRONG BỌN ẤY, THÌ TÔN THẤT THUYẾT, TRẦN XUÂN SOẠN, XIN DO QUAN ĐỊA PHƯƠNG XÉT BẮT BẰNG ĐƯỢC VÀ CHÉM NGAY, ĐỂ TỎ RÕ HIẾN PHÁP TRONG NƯỚC” (*) (6). Hai phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, tham tri quá cố Trương Văn Đễ, chưởng vệ Trần Xuân Soạn,
đó là bốn người chủ chốt của cuộc kinh đô quật khởi và bị thất thủ (23.05 Ất dậu: 05.07.1885) cùng hai tháng sau đó (05.07 – 05.09.1885) . Thượng thư Bộ Hộ Phạm Thận Duật hoá ra chỉ là một nhân vật rất mờ nhạt, hoàn toàn không bị xét xử, không có tên trong
bản án chung thẩm này. Tham biện Sơn phòng Quảng Trị Tôn Thất Lệ có trực tiếp cầm quân đánh Sứ quán, nhưng vốn được điều động về Huế bất chợt và chỉ thừa hành, cũng như nhiều viên quan khác, nên cũng không thấy đề cập đến.
Thế là
“vua nghe theo” (6) , không phải nghe theo lời bàn luận của đình thần, kinh thần, mà nghe theo De Courcy, De Champeaux, Silvestre, Prudhomme cùng lời kết án của các cố đạo Pháp đã gửi tới, kể cả những bản sớ
“xin trị tội Nguyễn Văn Tường” của lũ ngụy quan ngoài Bắc do thượng thư Bộ Lại người Pháp Silvestre, giám mục gián điệp Puginier và ngụy tổng đốc, ngụy kinh lược sứ Bắc Kì Nguyễn Hữu Độ tuyển chọn, sắp đặt.
“Bấy giờ ở Bắc Kì lại có nhiều người ghét Nguyễn Văn Tường, xin thống tướng đem trị tội” (8) , đó là
“những người [Đại] Nam ra làm quan với Pháp” (8) . Chúng là tay sai, nên cũng như Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình,
“đã biết theo chính sách bảo hộ” (8) của thực dân! Bọn tay sai của thực dân căm ghét phụ chính Nguyễn Văn Tường, thì có gì là lạ!
Thực dân Pháp sai bảo ngụy triều Đồng Khánh tước hết chức hàm của nhóm chủ chiến. Hai phụ chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết còn bị chúng tịch thu hết tài sản, gồm nhà cửa, ruộng đất. Tài sản của đệ nhất phụ chính có gì?
+++ 1. Hai ngôi nhà nhỏ có vườn cây và cỏ hoa xinh đẹp của hai người vợ họ Nguyễn Khoa (9);
+++ 2. Cả mảnh đất ở gần cửa Đông Ba, của người vợ chính thất họ Dương, đầy than đen của ngói gỗ vừa cháy rụi trong tháng trước (do bọn Pháp, “tả đạo” vừa đốt, rồi vu khống Tôn Thất Thuyết ra lệnh cho lính đốt, để li gián hai phụ chính!) (10);
+++ 3. Bốn ngôi nhà nhỏ, đơn sơ khác của bốn người vợ khác;
+++ 4. Và tổng cộng toàn bộ ruộng đất của ông là chỉ ba mươi (30) mẫu ruộng tư, gồm mười hai mẫu ở xã Triều Sơn, mười tám mẫu ở thôn Thanh Đàm, phủ Thừa Thiên (12 + 18 = 30) (11).
Đúng là phụ chính Nguyễn Văn Tường và các thành viên khác trong nhóm chủ chiến yêu nước triều đình Huế đã mất hết tất cả, từ danh dự đến chức hàm và tài sản, riêng tính mạng còn tuỳ thuộc ở sợi dây treo cổ lơ lửng tại nhà tù Gia Định, Côn Đảo, hoặc đang bị truy kích ở Hà Tĩnh.
4
Sau sáu ngày rời khỏi Côn Đảo, hòn đảo ngoài khơi Bà Rịa – Vũng Tàu (thuộc tỉnh Biên Hoà), nơi đã trở thành chốn lao tù bởi thực dân Pháp, chiếc tàu thuỷ Scorff (11) mải miết lênh đênh trên biển theo hành trình của nó. Trong một khoang tàu, thượng thư Phạm Thận Duật đã hoàn toàn kiệt sức. Căn bệnh tiểu đường vốn có đã làm ông ốm yếu, lại ốm yếu thêm, do những tháng ngày tù ngục khốn khổ, cay đắng tại Khám lớn [De] La Grandière ở Sài Gòn, bảy mươi sáu ngày tại hòn đảo đày ải Côn Lôn đói khát, buồn hận (13), tuy còn may là chung phòng tù với phụ chính với Nguyễn Văn Tường, cựu đề đốc Tôn Thất Đính. Cho đến lúc này, thượng thư Phạm Thận Duật chỉ còn như một nắm xương bọc da, thoi thóp. Sóng gió đường biển cũng khiến ông thêm khó sống.
Bên cạnh ông là phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, cựu đề đốc Tôn Thất Đính, hai người tù cùng chung bi kịch mất nước như ông. Cả ba người đã chia sẻ với nhau những cơ cực, cay đắng qua những tháng ngày tù đày. Nay nhìn ông, họ không thể không buồn đau.
Trong ánh nắng sáng sớm ngày hôm nay, có lúc ông tỉnh lại, thều thào:
- Không ngờ mới mười hôm đi đường biển, mình đã lâm lụy đến thế này… Rất mệt, trong người rất mệt…
- Không, chưa đến mười ngày, chỉ mới sáu ngày đêm thôi. – Phụ chính Nguyễn Văn Tường nói khẽ, giọng hơi nhều nhào đi –. Có lẽ, hình như quan thượng thư lại mê sảng rồi…
Phụ chính Nguyễn Văn Tường cũng xơ xác, gầy mòn, với hai hàm răng có nhiều chiếc bị lung lay, có chiếc đã rụng trong mấy tháng lao tù vừa rồi (14). Sức khoẻ ông bị tổn hại đến mức không thể ngờ nổi. Trông ông cũng chẳng khá hơn thượng thư Phạm Thận Duật là mấy. Chỉ cựu đề đốc Tôn Thất Đính, mặc dù những năm mới tuổi năm mươi đã bị chứng mắt mờ, đau ở vùng bụng, phải về hưu (15), và lớn tuổi hơn hai người bạn tù kia, nhưng vốn là con nhà nòi về ngành võ, cụ Tôn Thất Đính vẫn còn mạnh khoẻ. Cụ cựu đề đốc cũng chẳng bị bọn Pháp tra tấn, khai thác gì nhiều, vì ông nào biết gì về việc quân binh từ lâu lắm rồi, còn việc cơ mật ở Viện – Bạc và triều đình nói chung, ông chỉ biết lơ mơ. Ông chỉ có một trái tim căm thù giặc Pháp xâm lược và đã cùng con trai là Tôn Thất Thuyết, hai cháu nội là Tôn Thất Đàm, Tôn Thất Thiệp vạch kế hoạch tấn công Sứ quán, Mang Cá; và sau đó, cùng con cháu, binh lính phù ngự giá lên Sơn phòng Tân Sở, tại Cam Lộ, Quảng Trị, ông lại tiếp tục vạch kế hoạch quân sự đồng thời trực tiếp cầm quân làm chốt chặn bọn Pháp, bọn “tả đạo” truy kích. Dẫu già lão, lại biết cách chịu đòn khi bị tra tấn (nhờ có công phu tập luyện võ nghệ), biết cách trả lời khi bị khảo cung (đến gần hai mươi năm không tham dự việc quan quân), nên lúc này ông là người còn khoẻ nhất.
Suốt ngày ấy thượng thư Phạm Thận Duật không ăn uống gì. Mấy tên thuỷ thủ người Pháp, Ả Rập và cả người Lữ Tống (Philippines) hay Mã Lai gì đó, có đem đến cho ông một bát cháo. Ông không tài nào nuốt nổi mặc dù có mấy người hầu cận cùng đi với ông bón đút từng muỗng một.
Đêm khuya, tàu thuỷ vẫn lướt trên sóng nhồi. Trên tàu đã im phăng phắc, bỗng người hầu cận của ông đến bên giường, thật ra là một tám gỗ cứng, muốn đánh thức phụ chính Nguyễn Văn Tường, nhưng anh ta vẫn chần chừ vì nể ngại. Nhẹ bước sang tấm gỗ bên cạnh, nơi cụ Tôn Thất Đính đang ngáy, anh ta cố mạnh dạn lay vào chân.
- Bẩm cụ! Bẩm cụ! Cụ thượng thư đã đi rồi! Cụ thượng thư đã đi rồi! Cụ đề đốc ơi…
Cả phụ chính Nguyễn Văn Tường lẫn cựu đề đốc Tôn Thất Đính đều cùng thức dậy.
Họ đứng bên tấm gỗ, trên đó thượng thư Phạm Thận Duật đang ngoẹo đầu, mắt còn hé mở nhưng dưới ánh đèn vàng vọt, rõ là đôi mắt của một người đã không còn chút sinh khí. Phụ chính Nguyễn Văn Tường khẽ cúi xuống, đặt một ngón tay sát vào hai lỗ mũi bạn, thấy không còn một chút hơi thở nào. Ông lại cầm cổ tay bạn để bắt thử mạch, vẫn không thấy còn chút máy động nào. Phụ chính Nguyễn Văn Tường nhè nhẹ vuốt mắt cho bạn, sửa lại chiếc đầu bạn cho ngay ngắn. May thay vẫn còn mềm xương thịt, chưa là một xác lạnh cứng. Nơi đây, không có lấy một cây hương, một mẩu nến. Những tên thuỷ thủ đã ngủ say.
Phụ chính Nguyễn Văn Tường lặng lẽ ra đứng nhìn ra bầu trời khuya nhoà sương…
Sáng hôm sau, tên người Pháp, thuyền trưởng tàu Scorff liền đi xuống khoang thuyền của ba tù nhân đặc biệt. Sau cái chào, y nói:
- Xin thành thật chia buồn. Lẽ ra tôi không nhận chở một tù nhân ốm gầy, đau yếu đến thế, nhưng lệnh là lệnh, biết làm sao được… Thôi, xin vui lòng thuỷ táng. Đó là nguyên tắc hàng hải. Đề nghị lên gặp y tá, nhận một chiếc bao thuỷ táng trữ sẵn. Và không để quá chín giờ sáng nay.
Không ai có thể nói gì lúc này. Chỉ có những tiếng nấc, tiếng khóc khẽ.
Hai người hầu cận của thượng thư Phạm Thận Duật làm việc liệm ông theo nghi thức hàng hải, với sự chỉ dẫn của viên y tá người Pháp. Họ đưa ông ra cuối boong tàu.
Ở cuối boong tàu ấy, phụ chính Nguyễn Văn Tường, cựu đề đốc Tôn Thất Đính và những người lính hầu cận đều vái thi lễ trước chiếc bao bằng vải trắng đã bó lại. Sau vài phút mặc niệm, và chỉ kịp đọc một đoạn điếu văn, tên y tá ra lệnh ném thây thượng thư Phạm Thận Duật xuống những lượn sóng nổi bọt trắng cuối tàu. Một tên thuỷ thủ bắn lên trời ba phát súng. Thế là hết!
Những tên người Pháp, Ả Rập rút lên phía boong trước. Nơi cuối boong tàu, giữa các người cận vệ và cựu đề đốc Tôn Thất Đính, thượng thư Nguyễn Văn Tường đứng nhìn sững sờ những lượn sóng bọt nước nổi trắng ấy.
Hôm ấy là ngày hai mươi ba tháng mười Ất dậu (29.11. 1885), tại eo biển Hạ Châu (Malacca) (13).
5
Tháng giêng năm Đồng Khánh Ất dậu (1885), ngụy triều Đồng Khánh xét lại bản án về các vương, các công chủ “hoà”, thân Pháp và câu kết với Pháp:
“Chuẩn cho các người: thân vương, công, công chúa, công tử tôn và tôn thất đã bị tội lỗi, lượng cho khai phục tước hàm có thứ bậc.
Tuy Lý vương là Miên Trinh, được khai phục là Tuy Lý công; Quỳnh quốc công Miên Triệu được khai phục là Triệu Phong quận công; Hải Ninh quận công Miên Tranh, Kỳ phong quận công Hồng Đãn [:Đình, Đĩnh], Tuy Lý quận công Hồng Tu, đều được khai phục tước cũ.
Cử nhân là công tôn Ưng Phương, được khai phục nguyên ngạch là thị độc học sĩ; tham tá Các vụ Hồng Sâm được khai phục chức cũ. Dòng thứ bảy Tôn Thất Bá [án sát Hà Nội, 1882] được phục hồi tôn tịch.
Còn người nào hiện bổ quan chức mà bị giáng, cách, sẽ do hai bộ Lại, Binh xét và thi hành.
Đình thần tâu nói: “Gia Hưng công đã quá cố là Hồng Hưu, tháng chín năm ngoái cùng Đồng Xuân công chúa can khoản, phải cách mất tước công, đổi theo họ mẹ là Vũ Hưu, công chúa [Đồng Xuân] đổi làm Hồ Thị Đốc [Gia Đốc], truất bỏ làm hạng người thường. Bọn ấy ngày thường làm điều bất cẩn, nhưng nay gặp khánh điển, thì Hồng Hưu, xin cho truy phục tước Gia Hưng công, Gia Đốc được khai phục công chúa, bỏ đi hai chữ “Đồng Xuân”, nhưng được chiểu lệ chi lương. Còn con trai, con gái Hồng Hưu, trước giáng làm tôn thất, cũng xin cho khai phục là công tử, công nữ, còn như tập tước thì giáng một bậc. Con của Gia Đốc cũng không được tập chức hiệu uý, để tỏ là có phân biệt”.
Vua [Đồng Khánh] bảo: “Gia Đốc thực là đáng tội, tạm chuẩn cho chi nửa lương, đình chỉ việc triều hầu. Nếu thói cũ không chừa, thì tội lại nặng hơn. Còn thì y lời nghĩ định”” (16) .
Những kẻ phản quốc đều được khai phục hàm tước! Và hầu như Đồng Khánh và ngụy triều không xét tới khía cạnh chủ yếu là tư tưởng, thái độ chính trị phản quốc của những kẻ ấy, mà chỉ bàn về khía cạnh đạo đức với các “nhã ngữ” với ý giảm bớt mức tội lỗi chứ không phải để bớt tục tĩu. Đâu phải ngụy vương và ngụy triều thần không biết rằng ngôn từ pháp luật phải chính xác, và tính chính xác của từ ngữ không nhất thiết phải là tục tĩu!
Sự phớt lờ khía cạnh chính trị phản quốc và khai phục cho những chính yếu phạm ấy là hết sức nghịch lí, phi công lí. Có điều, những kẻ bị tội lây do thân nhân (như con cháu bị tội lây do cha ông, chứ bản thân họ không phạm phải) tất nhiên là oan uổng trong hạn chế lịch sử – cụ thể, bởi
thói lệ “một người làm quan cả họ được nhờ, một người phạm tội cả họ phải gánh” (17) !
6
Trong khi đó,
phong trào Cần vương “bình Tây sát tả” vẫn bùng cao ngọn lửa căm thù giặc Pháp và “tả đạo”. Đây là dịp để “tả đạo” phục thù và quyết cướp lấy chính quyền ở tỉnh, phủ, huyện, điều mà các cố đạo Pháp, Tây Ban Nha,“giáo dân vô lại”, hàng trăm năm nay chúng quyết tâm một cách thâm độc và mê muội. Vì thế, không một tỉnh nào không có phong trào Cần vương “bình Tây sát tả”. Riêng ở Quảng Trị, những lãnh tụ Văn thân Cần vương như Trương Đình Hội, Trần Quang Chuyên, Hoàng Hoản, Nguyễn Tự Như (18), ngay từ sau ngày phụ chính Nguyễn Văn Tường bị giặc Pháp bắt lưu đày đến nay (05.09.1885), họ vẫn lãnh đạo sĩ dân giương cao ánh đuốc, thanh gươm Cần vương. Tuần vũ Trương Quang Đản và quân lính doanh cơ Vũ Lâm thuộc quân số chủ lực của triều đình cũng thuận theo
(“bị chúng bức được”[!]) (19) , nên bị ngụy triều Đồng Khánh triệt hồi về kinh đô (19).
Phía “tả đạo”,
“linh mục ở Quảng Bình, Hà Tĩnh bức bách quan tỉnh và các dân làng, cướp lấy thuyền bè, dỡ lấy đình chùa, và nhà cửa của dân, để bồi cho dân giáo” (20) , nên
“quan tỉnh Quảng Trị sức cho dân bên lương sửa chữa nhà cửa cho dân bên giáo, hiện tỉnh ấy mới yên; [nhưng] nếu làm như thế chẳng khỏi lại sinh hiềm khích…”. Không chỉ thế,
“dân theo giáo ở huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An đốt phá huyện lị và các xã thôn: Quỳnh Đôi, Bào Hậu (hơn nghìn nóc nhà, và đàn ông, đàn bà cũng nhiều người bị chết)” (21) .
Ở Thanh Hoá, sĩ dân bắt đầu đánh Pháp bằng chiến thuật du kích:
“Ngày bảy tháng [hai nguyệt lịch] ấy, nhân có phiên chợ nhiều người, [sĩ dân] mới giả dạng làm người đi gánh thuê. Trong cái đòn ống bằng tre, đều giấu dao ngắn. Chúng [:sĩ dân yêu nước] chia làm hai toán: một toán đợi [phía trong thành], [phải đi] gấp vào thành [trước], tức thì bắt đầu giết quan Pháp trong thành, một toán ở ngoài thành để ứng tiếp nhau. Quan tỉnh [lúc này là bọn ngụy hoặc bị ngụy hoá] thám [thính] biết [được], lập tức đóng chặt cửa thành, phái quân hợp cùng quân Pháp chia đường đánh dẹp [!]” (22) . Tuy thế, sĩ dân yêu nước ngay khi
“mới vào trụ sở phó công sứ, [thì lập tức tên] phó công sứ [Pháp] và một viên quan hai [Pháp] đều bị chúng [:sĩ dân] đánh bị thương nhiều chỗ. [Hai tên giặc Pháp ấy] chạy thoát…” (22) .
Tháng hai, năm Bính tuất (tháng 03.1886) ở hữu trực kì và hữu kì như thế đó!
Phong trào Cần vương “bình Tây sát tả” ở các tỉnh tả trực kì và tả kì (phía nam), sau vụ Quảng Ngãi, Bình Định, lại còn dâng cao hơn nữa ở Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận và các tỉnh miền núi. Không chỉ “sát tả” đơn thuần như ở Nghệ – Tĩnh với sự lãnh đạo của hai lãnh tụ Trần Tấn, Đặng Như Mai mười hai năm trước (1874), mà vừa “sát tả”, vừa “bình Tây” (23).
Nhưng, tháng hai ấy, ngày ất sửu, lại có nhật thực!
Lúc này, khâm sứ ở Huế không phải là De Champeaux, Prudhomme nữa. Hector đã đến thay từ tháng giêng nguyệt lịch trước.
Y và Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Thuật, đại diện ngụy triều Đồng Khánh, liền cấp tốc làm lễ hỗ giao “hoà” ước Giáp thân 1884 và ước thư về mỏ (khoáng sản) (24). Đến lúc này mới hỗ giao, vì trước đó, vua Hàm Nghi cùng hai phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, ngay từ đầu tháng năm Ất dậu (1885), vẫn còn gửi quốc thư sang Pháp để tiếp tục đấu tranh đòi sửa đổi (25)! Và Hector cũng lập tức “chỉ thị” cho ngụy vương Đồng Khánh về việc viết, in hai bản dụ, cáo thị, nhằm mục đích xuyên tạc, bôi nhọ hai phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết để hòng dập tắt phong trào Cần vương ở các tỉnh phía nam. Xuyên tạc, bôi nhọ và còn thể hiện cả ý đồ xấu xa, thực dân Pháp và ngụy triều còn cố tình nhìn nhận, đánh giá những sự việc đúng với sự thật nhưng lại theo tiêu chí ngược (xâm lược, phản quốc là tốt đẹp!!!; yêu nước, chống Pháp, chống “tả đạo”, chống tay sai, chống vua quan câu kết với giặc là xấu!!!) (26). Dĩ nhiên, tên ngụy quan đầu sỏ vốn từ khá lâu đã lộ mặt tay sai của Pháp là Nguyễn Hữu Độ, liền có vai trò đốn mạt của y! Không chỉ Nguyễn Hữu Độ, còn có hai kẻ phản phúc với hai phụ chính (nay đã bị chúng gọi là
“nghịch thần” , là
“quyền thần” ). Nguyễn Hữu Độ và hai tên khâm sai ấy còn phản phúc với nhân dân và những người yêu nước chống Pháp khác. Khâm sứ giặc Hector và đại ngụy thần Nguyễn Hữu Độ viết đạo dụ, chánh khâm sai Phan Liêm và phó khâm sai Phạm Phú Lâm viết cáo thị (27). Ngụy vương Đồng Khánh đích thân sửa định, và chuẩn cho in mỗi thứ một trăm (100) bản (27),
“giao cho quan khâm sai niêm yết khắp nơi, khiến cho nhân dân, nhà nào cũng đều hiểu rõ, chớ mắc vào tội lỗi [!]” (27) , bởi ngay từ khởi đầu việc này y đã
“nghĩ các tỉnh từ Quảng Nam trở vào nam, nhiều lần đã tìm nhiều cách hiểu dụ, ngăn dẹp, mà dân chúng chưa hết ngờ sợ; hoặc giả, quan địa phương không biết thể theo ý tốt [!!!], xếp đặt trái phép, mới đến thế thành cưỡi hổ…” (27) .
DỤ CỦA ĐỒNG KHÁNH (DO KHÂM SỨ THỰC DÂN HECTOR, NGUYỄN HỮU ĐỘ HỢP SOẠN, ĐỒNG KHÁNH CHỈ SỬA CHỮA LẠI), NIÊM YẾT KHẮP CÁC TỈNH TỪ QUẢNG NAM TRỞ VÀO, THÁNG HAI BÍNH TUẤT (THÁNG 03.1886):
“… Tóm lại, là do tự Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết lộng quyền giết vua này, lập vua khác. Hàm Nghi là công tử bên ngoài, chưa từng được giáo dục trong cung. Hai quyền thần ấy lần này đón lập, nhiều việc man muội [!], trước thì lợi về dễ khống chế, sau chỉ mưu cho bản thân [!];bỗng dưng gây hấn [!], nghiêng đổ tôn xã, bắt hiếp vua chạy đi; Nguyễn Văn Tường liền quỷ quyệt [?! mưu trí] đem thân quay về thú tội [!] với quan đô thống Đại Pháp, rồi đã bị tội lưu, Lê Thuyết [bị đổi họ] thì sống một cách tạm bợ trong rừng. May mà nước Đại Pháp có lòng nhân thứ [!],giúp ta chấn hưng [!] được nước đã mất [!], nối lại được thế đã đứt, nước nhà đó mới còn [!]…” (28) .
Đúng là giọng lưỡi hèn hạ,
đánh giá ngược một cách trắng trợn tất cả!
“… Duy trẫm tin là các sĩ phu, thực tình là nhận nhầm, chứ không có lòng làm loạn; Triều đình đã đem đầu mối họa loạn, là tự Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết gây ra, nói rõ ràng với quan Đại Pháp, [họ] đã tin không ngờ, để cho Triều đình ta phải xử trí ngay, cho lương, giáo đều được yên ổn…” (29).
CÁO THỊ CỦA NGỤY TRIỀU ĐỒNG KHÁNH (DO HAI KHÂM SAI PHAN LIÊM, PHẠM PHÚ LÂM HỢP SOẠN, ĐỒNG KHÁNH TỰ SỬA ĐỊNH), NIÊM YẾT KHẮP CÁC TỈNH TỪ QUẢNG NAM TRỞ VÀO, THÁNG HAI BÍNH TUẤT (THÁNG 03.1886):
“… Nay Lê Thuyết, trốn tránh ở rừng gập ghềnh, một thân tuy nhỏ, mà coi đất trời như còn hẹp; Nguyễn Văn Tường thì đã bị đi đày; tức là trời trừ kẻ tật ác [!?!]. Huống chi tai ách mười đời, [[mà Quang Vũ trung hưng]]; con của Tấn công có chín người, [[mà còn được Tùng Nhĩ]]; xem ý trời cũng có thể biết. Trẫm cùng bọn ngươi, phải nên hết sức lo toan khôi phục lại, để lại thấy được cảnh tượng thái bình như xưa. Không ngờ bọn ngươi [tức là các sĩ phu, nhân dân] theo ý làm liều, hoặc bức đuổi quan tỉnh, hoặc đốt phá phủ, huyện, kháng cự mệnh lệnh triều đình, cam tâm hết lòng trung với kẻ thù [tức là Hàm Nghi, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, nhưng theo mạch văn, thì chỉ nhắm đến hai phụ chính], từ Hải Vân trở vào nam, không chỗ nào là không loạn [“!”:khởi nghĩa], rất đáng quái lạ. Sao không xem châu Hoan, châu Diễn, Quảng Bình, Quảng Trị, mượn tiếng là xướng nghĩa, cần vương, đều đem thân bón cho đồng cỏ, mười nhà thì chín nhà hết sạch; còn những kẻ lọt lưới, thì bị mưa độc, khí núi, liền hóa làm giống sâu ở cát, tức như tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn là thủ xướng, phải giải quân trốn xa, thám hoa Nguyễn Đức Đạt phải đến tỉnh đầu thú; đã thấy được đại khái…” (30) .
Cho dù thực dân Pháp cùng ngụy triều Đồng Khánh xuyên tạc, bôi nhọ, cố tình nhìn nhận, đánh giá những sự việc đúng với sự thật nhưng lại theo tiêu chí ngược, thậm chí bày nhiều mưu kế li gián thâm độc, sĩ phu và nhân dân yêu nước vẫn sáng suốt, vẫn trung thành với vua Hàm Nghi, với hai vị phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết. Sĩ dân từ Hải Vân trở vào nam, không chỗ nào là không khởi nghĩa để chống Pháp, chống “tả đạo” và ngụy quyền tay sai Đồng Khánh, Nguyễn Hữu Độ. Và ở các tỉnh hữu kì, hữu trực kì phía bắc kinh đô Huế, như châu Hoan, châu Diễn [Nghệ An, Hà Tĩnh], Quảng Bình, Quảng Trị, nơi nơi đều vẫn sáng suốt phân biệt ai là chính nghĩa thuộc chính triều chống Pháp viễn chinh, Pháp cố đạo, ai là phi nghĩa thuộc ngụy triều cam tâm làm tay sai cho thực dân hung ác cầm súng đạn, thực dân lợi dụng tôn giáo, biến tôn giáo thành ma tuý mê hoặc nhân dân ta. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn và thám hoa, tuần vũ Nguyễn Đức Đạt là những vị quan tiêu biểu cho lòng yêu nước và lòng trung thành với hai phụ chính, trong phong trào Cần vương, thực thi quốc kế chia tách nhưng vẫn phối hợp triều chính.
Nhưng mưu kế li gián hai vị phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết của bọn Pháp xâm lược và của ngụy triều Đồng Khánh, Nguyễn Hữu Độ là hết sức nguy hiểm cho phong trào Cần vương, khiến nhân dân, trong đó có sĩ phu, không phải không có người hoang mang, dao động và hoàn toàn buông xuôi, tuyệt vọng một cách thảm hại chứ không phải tuyệt vọng trong khí thế chiến đấu bi tráng.
Một trong những mưu kế li gián của thực dân và ngụy triều là tung ra cái gọi là
“Dụ Cần vương số hai” (31) , với lời tuyên truyền rằng, do chính vua Hàm Nghi phát đi tại Ấu Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, vào ngày mười một tháng tám Ất dậu (19.09.1885), tức là đúng vào ngày Ưng Kỹ làm lễ đăng quang với niên hiệu Đồng Khánh. Sĩ dân tuy có ít người hoang mang, dao động, bỏ ngũ, thậm chí mắc mưu đến mức nguyền rủa, nhưng đại đa số vẫn không tin vào cái gọi là “Dụ Cần vương số hai” đó. Họ vẫn sáng suốt, vẫn trung thành và vẫn khởi nghĩa, buộc Pháp phải chùn tay, “tả đạo” phải hãi hùng, ngụy triều phải run sợ trong hung tàn, ô nhục. Chính bản dụ của Hector, Đồng Khánh, Nguyễn Hữu Độ và bản cáo thị của Phan Liêm, Phạm Phú Lâm đã mặc nhiên phủ nhận cái gọi là “Dụ Cần vương số hai” do chính một bộ phận nào đó thuộc phe cánh thực dân, phản quốc bày ra (mà chúng lúng túng đối phó với sự bùng nổ phong trào Cần vương, nên đâm ra vô hình trung lại tự phủ nhận). Từ đâu, nhóm người nào, tung ra cái gọi là “Dụ Cần vương số hai”? Hoặc xuất phát từ triều đình, Sứ quán? Hoặc xuất phát từ các quan ngụy, công sứ cấp tỉnh, phủ, huyện? Hoặc từ các cố đạo Pháp, linh mục Việt (32)? Chắc hẳn “sáng kiến” bày ra cái gọi là
“Dụ Cần vương số hai” ấy xuất phát ở cấp địa phương, các giáo xứ, bởi nội dung văn bản chứa đầy những kiến thức sơ đẳng mà sai sót đến kì quái (31).
Theo lệnh Pháp, cũng là lệnh ngụy triều Đồng Khánh và Nguyễn Hữu Độ, hai chánh phó khâm sai Phan Liêm, Phạm Phú Lâm mang hai xấp ấn bản sắc dụ và cáo thị ấy, tiến vào các tỉnh tả trực kì, tả kì phía nam, tuyên truyền theo kiểu xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo, nhằm triệt hạ uy tín Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và nhóm chủ chiến, để dập tắt phong trào Cần vương. Ngay từ những ngày đầu, hai tên Phan Liêm, Phạm Phú Lâm ấy đã bị sĩ phu, nhân dân phản ứng dữ dội.
Đến bây giờ, những quan viên còn gắn bó một cách bất đắc dĩ, hoặc trung quân mù quáng, hoặc cam đành chấp nhận thân phận tay sai cho Pháp, đã phải chấp nhận những tên “tả đạo” phản quốc, những kẻ xu thời
“bán nước cầu vinh [thực chất là cầu nhục!]” cùng làm quan chức như họ. Quan trường rõ ràng gồm nhiều thứ quan lại cũ, mới. Bọn Pháp còn đưa ra từ Nam Kì ra những tên trí thức tay sai cho giặc Pháp, do “tả đạo” đào tạo, từ ba, bốn chục năm trước, như Trương Vĩnh Ký (33), những tên ngụy gian ác khét tiếng như Trần Bá Lộc (34). Trương Vĩnh Ký được Pháp bố trí làm tham tá Viện Cơ mật để kèm cặp vua ngụy Đồng Khánh. Trần Bá Lộc tàn sát sĩ dân phong trào Cần vương các tỉnh phía nam kinh đô Huế (34). Bên cạnh Trần Bá Lộc còn có Nguyễn Thân. Nguyễn Thân vốn là tiễu phủ sứ của Sơn phòng Ngãi – Định, nay y hoàn toàn phản bội phong trào Cần vương:
“Các tỉnh từ Quảng Nam trở về nam đều có loạn [(!)]. Tiễu phủ sứ Quảng Ngãi, Bình Định là Nguyễn Thân lại biết lấy công đền tội [(!)]…” (35) .
Hai tên tay sai của Pháp, Trần Bá Lộc từ Nam Kì ra, và Nguyễn Thân là người Quảng Ngãi, địa phương vùng tả kì ấy, cả hai đều cực kì gian ác. Chúng sử dụng những thủ đoạn
“một người theo phe Cần vương, cả nhà bị giết, cả làng bị đốt cháy” để dập tắt phong trào yêu nước hào hùng, bi tráng đó. Ngoài ra, còn chúng còn dùng thủ đoạn nham hiểm đối với mồ mả tổ tiên nghĩa sĩ Cần vương.
Biện pháp tàn ác gần như tru di tam tộc, tam đại (giết cả người chết, bằng cách quật mồ, băm xương) này, thực ra khởi đầu là do bọn tay sai đắc lực của Pháp khởi xướng, theo lệnh của Pháp, để đàn áp, dập tắt phong trào khởi nghĩa Cần vương. Không nghi ngờ gì nữa, rõ ràng đó là bọn Trần Bá Lộc, Nguyễn Thân. Bọn quan tỉnh, lúc này đã là tay sai của thực dân, cũng thực thi biện pháp ấy. Do đó, quân Cần vương cũng ở trong cái thế phải dùng “độc trị độc”.
Cuối tháng tám năm Đồng Khánh thứ nhất, Bính tuất (1886),
“vua [bù nhìn Đồng Khánh] sai bọn khâm sai Phan Liêm tiến đi, (mang theo 300 lính tập và 100 binh giản). Phạm Phú Lâm vì mẹ ốm và tình trạng “giặc” [:quân Cần vương] hoành hành, quấy nhiễu ([do] quan viên hạt tỉnh ấy dự bàn đánh dẹp, đốt nhà, bắt thân nhân, và đào phá phần mộ của “giặc” [Cần vương]). [Phạm Phú Lâm] xin thôi chức phó khâm sai. Vua y cho” (36) .
Trong trường hợp này, phải chăng không thể trách quân Cần vương được?
Hai chánh phó khâm sai ngụy triều tay sai, bù nhìn Đồng Khánh, là Phan Liêm, Phạm Phú Lâm, đã có một tên phải đầu hàng trước phong trào quật khởi Cần vương của sĩ dân. Bản dụ, bản cáo thị của Hector, Đồng Khánh, Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình và của hai tên ngụy khâm sai ấy đã không những không dập tắt nổi phong trào Cần vương mà còn thổi bùng ngọn lửa căm thù giặc Pháp, căm hận ngụy triều, đồng thời là ngọn lửa trung thành với vua Hàm Nghi, trung thành với hai phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết. Phạm Phú Lâm thế mà sau ngày kinh đô quật khởi, hai mươi ba tháng năm Ất dậu (05.07.1885), đã lặn lội tìm đường phù giá vua Hàm Nghi, ra đến hành cung Quảng Trị! Phạm Phú Lâm đã trở mặt, tôn phù ngụy triều Đồng Khánh do Pháp dựng nên! Đến lúc này, Phạm Phú Lâm đành xin bỏ ngũ. Y bỏ ngũ ngay từ những ngày đầu thực thi việc mang dụ và cáo thị vào phía nam. Có lẽ y đang sống với một tâm trạng không phải không giằng xé giữa trung quân (đã là ngụy vương) với ái quốc (nước của sĩ dân yêu nước), và với nỗi đau xót bị quân Cần vương trị tội theo kiểu “dĩ độc trị độc”. Không đợi được chuẩn y cho, Phạm Phú Lâm đã rời bỏ “nhiệm vụ tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo”!
Đến tháng mười một, năm Bính tuất (tháng 12.1886),
“phó khâm sai Tả trực kì là Phạm Phú Lâm chịu tội (37):
Phú Lâm đến Đà Nẵng, được mười (10) ngày, dâng tập tâu: “Bọn giặc [:quân Cần vương, ngụy triều Đồng Khánh gọi là “giặc”!!!] đưa giấy bắt họ thân và bắt được vợ y, làm đủ hình ác; xin tự trói về kinh đợi tội”; lại lục tư cho Viện Cơ mật, nói: “Giặc [:quân Cần vương] hiện bắt xã thôn ấy chỉ dẫn phần mộ tổ tiên của y, nếu để chậm, tất đến mắc vạ; bèn không đợi chỉ, lập tức đáp thuyền về kinh, đến Viện Cơ mật, xin đến Bộ Hình đợi tọâi”.
Tập tâu ấy, Viện thần [tay sai Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình] hiện đương nghĩ biên phiếu tâu lên hặc tội, nói: “Phú Lâm không đợi chỉ [dụ] chuẩn cho, dám tự tiện về, đi lại ở thành thị, không lo sợ chút nào, coi pháp lệnh triều đình như trò trẻ con, sau này, người khác trông thế bắt chước, thì thành sự thể gì. Xin trước hết giải chức, xích lại giao cho Bộ Hình nghiêm nghĩ, để chỉnh đốn phép làm tôi”.
Vua [ngụy Đồng Khánh] chuẩn y lời tâu. Sau Bộ nghĩ, xin xử tội một trăm (100) trượng, cách chức, không được bổ dụng. Vua cho nghĩ xử ấy là nhẹ, bác đi, giao cho [Nội] Các thần giữ mực công bằng nghị xử lại. [Nội] Các thần phúc tâu, nói: “Xin chiểu điều luật “lầm lỡ việc quân” xử tội “trảm giam hậu””.
Vua [ngụy Đồng Khánh] lại nghĩ đến chú ruột y là Phạm Phú Thứ [nguyên] là cựu thần của tiên triều, vốn có trọng vọng, đáng nên ban ân cho con cháu; mới chuẩn cho cách chức, phát giao đi sai phái làm việc ở đạo hữu trực kì” (37) .
Đến tháng tám Đinh hợi (tháng 09 – tháng 10.1887), Phan Liêm cũng ân hận trong niềm tủi nhục không kém, mặc dù Phan Liêm gian ác không phải ít. Cùng một giuộc như Trần Bá Lộc, Nguyễn Thân, y đã cùng với các tên thực dân De Lorme, Aymonier, đàn áp tàn bạo phong trào Cần vương.
“Giáng chức viên mới chuẩn cho lãnh tổng đốc Bình Thuận, Khánh Hòa là Phan Liêm… […] (38).
[…]… Lúc đầu Liêm đã được mệnh mới, tức thời dâng sớ nói: “Hai tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, dân sau khi bị loạn [“loạn” (!) Cần vương], vỗ yên răn dẹp thật khó; Liêm này mình ốm, tài xoàng, sợ không kham nổi chức ấy, xin chọn bậc danh khanh tài cán, lão luyện đến nhận chức; sẽ xin vào kinh chiêm bái, về quê quán chữa bệnh, để dưỡng tuổi trời”.
[…]… Sau khi đã về tới nơi, Liêm lại nói: “Dân hạt ấy, sau khi bị bọn giặc [:quân Cần vương] mê hoặc [phải hiểu là thức tỉnh, giác ngộ], chưa chắc mười phần hết ngờ… […]”.
Vua [bù nhìn Đồng Khánh] cho Liêm đã nhiều lần từ chối, không cần ủy gượng, đổi sai [Nguyễn] Văn Phong thay thế, rồi đem [Phan] Liêm giải chức, giao cho đình thần trừng trị.
Đình thần xin xử tội đánh một trăm (100) trượng, cách chức, không được trình bày.
Vua lại nghĩ, [Phan] Liêm đã từng làm tổng đốc, lại là đời đời làm quan (39), chuẩn cho giáng làm biên tu, bắt về hưu” (38) .
Là chánh khâm sai trong chiến dịch bôi nhọ, triệt hạ uy tín hai phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và nhóm chủ chiến, nhằm dập tắt phong trào Cần vương, cuối cùng Phan Liêm cũng như Phạm Phú Lâm, tên trước gã sau, đều thú nhận: Sĩ phu, nhân dân sáng suốt, giàu lòng yêu nước, không chịu khuất phục giặc Pháp, “tả đạo” và ngụy triều Đồng Khánh, Nguyễn Hữu Độ!
7
Chiếc tàu thuỷ Scorff vẫn toả khói than và hơi nước nóng bỏng, lướt trên bao nhiêu ngọn sóng biển. Theo con đường ngắn nhất, tàu Scorff phải đi từ Côn Đảo xuống eo biển Malacca thuộc Hạ Châu (Malaysia), lại vượt qua eo biển Mélanésia, giữa hòn đảo lớn Australia (Úc Đại Lợi) và Tân Guinéa, để rồi tiếp tục hướng về quần đảo Poly-nésia, gần Nam Mỹ (South American). Chuyến hải trình không ngắn ngủi chút nào (40).
Sau những ngày tháng giam cứu ở Khám lớn La Grandière, Côn Đảo, với bao nhiêu sự tra tấn khai thác nhưng vô ích, và có lẽ bọn Pháp thấy cũng không cần thiết nữa (vì bọn chúng đã chiếm trọn triều đình và hầu hết các vùng đất đồng bằng ở nước ta, đã khảo cung bao tù binh, tù chính trị khác), nên chúng đưa phụ chính Nguyễn Văn Tường và hai người bạn tù khác đi theo hành trình dài dằng dặc ấy.
“Kì khai tam sắc, vân lôi biến
Già thính song xuy, kê khuyển kinh”
“Tam tài” cờ xổ, giông quyền sấm
Roi cặp, kẹp tra, chó rủn hồn (41) Cờ giặc Pháp bay như xổ trên kì đài kinh thành Huế. Sấm sét phong trào Cần vương bùng dậy theo kế sách quyền nghi, một khi không chiến được, không thủ được, không hoà được. Những cái kẹp bằng gỗ hoặc bằng sắt, bọn Pháp dùng để kẹp nghiến tay người, lấy lời cung khai, và đối chứng theo lời cung khai từ những người tù bị tra tấn bằng roi, cặp roi do hai kẻ tra tấn đứng hai bên người bị khảo cung thay phiên nhau quất. Ngay khi cờ tam sắc xanh trắng đỏ của giặc xổ ra, triều đình tan tác, bao nhiêu vị quan, người lính ở Huế đã lâm vào tình cảnh thế đó, còn hơn cả khi tên Harmand ở Bắc Kì, sau khi Courbet đánh chiếm Thuận An, bắt triều đình Hiệp Hoà chấp nhận “hoà” ước Quý mùi 1883!
Hai câu thực của bài thơ bảy chữ tám câu đối từng từ, kể cả từ loại, rất chỉnh, nhất là về ngữ nghĩa: Lá cờ của nền văn minh, nền cộng hoà với bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền trong cuộc cách mạng 1789 (42) đối rất chỉnh với kẹp, roi tra tấn của bọn xâm lược thuộc Cộng hoà Pháp trên quan chức nước Đại Nam bị xâm lược; mây sấm (43) quyền biến một cách anh hùng (ẩn dụ gần như thành ngữ
“vân lôi thời tiết” # “vân lôi khí tiết” ) (43) đối rất chỉnh với bọn người như chó gà hèn nhát! Mười bốn chữ chứa đựng một dung lượng hiện thực lớn và sâu đến thế!
Quả thật, bọn thực dân xưa nay không ngu ngốc, mà lại tinh khôn một cách rất độc ác, lẽ nào chúng không khảo cung, khai thác các thông tin cơ mật! Chúng căm hận và căm giận ba người tù này, theo chúng là không biết phục thiện (!). Hơn nữa, phong trào Cần vương ngày mỗi dâng cao khiến bọn Pháp viễn chinh và các cố đạo thực dân kinh hoàng với nhiều tổn thất không thể kể hết. Chúng thật sự hãi hùng với bao tổn thất ấy, nhưng lực lượng Cần vương, tiếc thay, cũng chỉ đủ sức khiến chúng hãi hùng, tổn thất như thế. Và bọn Pháp, viễn chinh cũng như “tả đạo”, chúng thấy cần phải lưu đày phụ chính Nguyễn Văn Tường và hai người bạn tù của ông ở một nơi thật xa, rất xa, không thể trở về được nữa, cũng không ai có thể giải cứu. Côn Đảo cách đất liền nhiều dặm biển, vẫn có thể được sĩ dân thực hiện việc vượt ngục cho ba người tù đặc biệt quan trọng kia!
Phụ chính Nguyễn Văn Tường, cựu đề đốc Tôn Thất Đính cùng bảy tám người lính hầu cận thế là vĩnh viễn chia tay thượng thư Phạm Thận Duật, từ tháng mười một Ất dậu (1885) trước. Đến nay, đã hơn hai tháng đi theo hải trình dài dằng dặc ấy, với nhiều lần tàu phải ghé lại những bến cảng xa lạ để được tiếp lương thực, nước ngọt sinh hoạt, cũng như than, củi và nước, ba thứ nhiên liệu của tàu chạy bằng máy hơi nước.
Phụ chính Nguyễn Văn Tường khổ đau tinh thần, lo buồn, suy tư về vận nước bi thảm, bi tráng và về gia đình, quê hương đang trong cảnh tủi nhục nô lệ, khốn khó, túng quẫn, nhất là thực trạng của ông, không còn có cơ may nào có thể trở lại Tổ quốc, nắm lại quyền lực như một thứ vũ khí để chiến đấu chống giặc Pháp khoác áo lính, khoác lốt chùng thâm và chống bọn tay sai. Không những thế, phụ chính Nguyễn Văn Tường còn đau đớn về thân xác, sau những trận tra tấn của bọn cai tù, bọn khảo cung chuyên nghiệp Pháp. Ông vốn là một quan văn, cũng như thượng thư Phạm Thận Duật, và cả hai đều là thành viên Viện Cơ mật – Thương bạc, đối tượng phải bị khai thác khảo cung tối đa. Thân xác họ không chịu nổi sự tra tấn khốc liệt, đã lâm bệnh. Trước đây, chúng đã nhét vào tận họng ông một nắm giẻ có tẩm một thứ hoá chất nào đó (14). Chúng bảo để khỏi gãy răng, như võ sĩ quyền Anh phải chuẩn bị chịu đòn. Chúng không nói một lí do khác, là để khỏi la hét. Và vì thế, những chiếc răng chỉ lung lay, có chiếc đã gãy, nhưng không gãy đến bật máu. Hóa chất làm lợi răng mềm lụn như mủn đi, cổ họng sưng vù lên.
Đến lúc này, lợi răng và cổ họng đã bớt sưng nhức, nhưng đi đường biển dài ngày, khiến phụ chính Nguyễn Văn Tường mệt nhoài người.
Sau hai tháng, vào một ngày đầu tháng giêng năm Bính tuất (tháng hai dương lịch 1886), hai người bạn tù và bảy người lính hầu cận được dẫn lên bến cảng Pueu (40), thuộc hòn đảo nhỏ Tahiti Iti (Taiarapu Péninsula) (40). Đó là một trong hai hòn đảo dính liền nhau. Hòn đảo lớn kia cũng được gọi là Tahiti nhưng thêm chữ Nui: Tahiti Nui (40). Ông choáng váng, lảo đảo với cảm giác chao lắc của người lên đất sau nhiều ngày lênh đênh trên tàu bị sóng biển nhồi. Ai cũng thế. Ông bước trên cầu tàu, được đặt tên Fare Ute (40). Một hòn đảo tí hon khác phía sau lưng bến cảng, như bình phong chắn gió cho tàu neo đỗ, có tên là Motu Uta (40). Đây là quần đảo bọn Pháp đã xâm lược và chiếm đóng từ rất lâu. Những địa danh bằng thổ ngữ khó đọc, khó nhớ, chúng đã phiên âm theo tiếng Pháp, viết lên trên bảng, đập ngay vào mắt.
Hai tù nhân Đại Nam và bảy viên hầu cận phải lập thủ tục giấy tờ. Được tạm nghỉ một vài hôm, họ lại được đưa lên một chiếc xe thổ mộ do ngựa kéo, sau khi chia tay với thuyền trưởng, thuỷ thủ và y tá tàu Scorff.
Phải trải qua một lộ trình dài nữa, từ cảng Pueu, băng qua eo đất nối liền hai hòn đảo Tahiti Iti với Tahiti Nui, và phải đi hết nửa chu vi men theo bờ biển của hòn đảo lớn Tahiti Nui ấy để đến một ngôi làng có tên là Papeete. Trên xe thổ mộ, có mấy tên lính Pháp canh giữ.
Sau nhiều ngày đi đường, họ đã đến nơi phải đến. Papeete, một ngôi làng cũng như bao ngôi làng của dân bản xứ nơi đây. Ngoài số lính, viên chức Pháp, thuộc ngạch viễn chinh và thực dân cai trị, số lính lê dương (légionnaires étrangères) thuộc các thuộc địa Pháp, còn lại là cư dân nghìn đời của đảo. Cư dân Tahiti có màu da đồng hun, như người thượng du các tỉnh tả kì phía nam nước ta.
Phụ chính Nguyễn Văn Tường và cựu đề đốc cùng bảy viên hầu cận trung thành được đưa vào một ngôi nhà trống. Chính nơi này sẽ trở thành chỗ lưu trú vô thời hạn, vĩnh viễn biệt xứ cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng, như bản án đã ghi rõ. Tất nhiên bảy viên hầu cận kia vô “tội” (44), nhưng phải đến lúc nào phụ chính và cựu đề đốc của họ nhắm mắt xuôi tay họ mới có thể trở về quê hương, Tổ quốc, hoặc họ sẽ được đổi phiên, nếu số lính hầu cận khác từ Đại Nam đến đây thay họ.
Ngôi nhà lợp tôn nóng hực ấy thuộc khu Broche (40), trên đường được quen gọi là “Avenue Bruat” (40). Gần con đường này, còn có một con đường khác, chắc hẳn do bọn cố đạo Pháp đặt bằng tên một nữ thánh, là Sainte Amélie (40). Trên con đường Sainte Amélie ấy có một chiếc cầu gỗ nhỏ. Dưới cầu, nước chảy từ suối ra, trong vắt, người qua cầu có thể thấy những con cá bơi lội tung tăng. Nơi chiếc cầu này, họ hay đứng ngắm để vơi đi bao căm uất, phiền muộn. Thỉnh thoảng, đệ nhất phụ chính, cựu đề đốc cùng những viên lính trung thành của họ, của cố thượng thư Phạm Thận Duật đi dạo trên hai con đường này, chiếc cầu này, và vài chỗ khác cũng trong giới hạn rất hẹp được những tên quản lí tù nhân cho phép. Họ chỉ được đi dạo loanh quanh, không được xa ngôi nhà ấy.
Gần đấy cũng có một ngôi chợ nhỏ, có các món thổ sản như bánh frifri (40), cũng có cả mùi cà phê, mùi vanille, mùi hoa quả và tôm cá (40).
Và ngôi nhà luôn luôn, suốt ngày đêm, đều âm vang tiếng sóng vỗ vào bờ. Đứng ở nhà, có thể thấy bờ biển và mặt biển mênh mông trải rộng cho đến mờ mịt, vô tận.
Trong giới hạn đã được khoanh vùng ấy, có hai loại cây khiến phụ chính Nguyễn Văn Tường, cựu đề đốc Tôn Thất Đính và nhóm lính cận vệ nhớ quê hương, Tổ quốc đến da diết, ấy là tre và dừa (40).
Đây không phải là Khám lớn La Grandière khủng khiếp, tàn bạo, dã man, không phải là Côn Đảo rùng rợn, độc ác, phi nhân để giam cứu và nhốt tù cấm cố. Đây là nơi lưu đày biệt xứ, người tù được tự do, nhưng chỉ trong phạm vi hạn chế với đường kính có lẽ không quá một ngàn mét (40).
Qua những ngày đầu, họ đã dần quen với nơi tù đày mới. Cơm nước phải tự túc. Những vật dụng sinh hoạt cần thiết, như một viên đá lửa, một mẩu bút chì (không có bút lông và mực xạ!), một nhúm thuốc lá, đã có cạnh đó không xa là quán tạp hoá (chạp phô) của ông già Ronald (40). Có điều, tên Pháp quản lí tù lưu đày đã có lệnh, không cho phụ chính Nguyễn Văn Tường và tám người khác cùng nhà được mua chịu, ghi sổ (40)! Và tiền bạc có đâu mà mua, trong khi bao năm tháng sắp đến còn phải lo tự túc cơm nước! Người ta cứ tin rằng phụ chính Nguyễn Văn Tường được chính phủ Cộng hoà Pháp trợ cấp cho ông ba chục ngàn (30.000) quan (40), để chi phí cho đến khi mãn đời tại nơi lưu đày biệt xứ. Nhưng thực tế, ông không có lấy một xu dính túi, thậm chí mua các đồ sinh hoạt lặt vặt thường ngày cũng không được kí sổ nợ tại quán chạp phô Ronald, vì lấy gì để trả! Chúng còn cấm phụ chính Nguyễn Văn Tường không được giao thiệp với bất kì ai, ngay cả ông chủ quán tạp hoá Ronald ấy, chỉ vì chúng lo ngại rằng người tù phụ chính đại thần sẽ tuyên truyền tư tưởng chống thực dân và “tả đạo” (40), một tôn giáo đã bị thực dân hoá để lợi dụng vào quá trình thực dân, như cũng đã diễn ra tại đảo Tahiti này.
Trong khi đó, từ tháng tám, năm Ất dậu (1885), chính De Courcy đã kí vào bên cạnh chữ kí của ngụy vương Đồng Khánh trên bản án chung thẩm đối với bốn nhân vật chủ chốt của cuộc kinh đô quật khởi (05.07.1885), tước đoạt hết chức hàm và toàn bộ tài sản. Chúng đã thi hành án bằng cách tịch thu ba mươi mẫu ruộng tư, nhà cửa, tất cả tài sản của ông! Về danh dự, nhân phẩm, chúng lại không ngớt tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo về ông và các thành viên khác của nhóm chủ chiến!
Phụ chính Nguyễn Văn Tường đã mất tất cả!
8
Trước đó, từ tháng mười nguyệt lịch Ất dậu (1885), tên phó đô thống Pháp Prudhomme đã bảo vua ngụy Đồng Khánh từ nay phải cho may cờ “bảo hộ” để sử dụng thay quốc kì nước ta. Prudhomme nhắc đến lá cờ “bảo hộ” màu vàng, phía góc trên, chỗ sát cán cờ, có một lá cờ tam sắc xanh trắng đỏ (45). Cờ tam sắc chiếm một phần tư diện tích lá cờ vàng. Cờ “bảo hộ” ấy lần đầu tiên đã bay trên kì đài kinh thành Huế ngày Đồng Khánh lên ngôi. Prudhomme nhắc trước, đến các ngày lễ tế, như Ngày Quốc khánh Pháp, cũng phải treo cờ ấy ở kì đài và ở các nha, các bộ (45)! Đó cũng là lúc phụ chính Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi vào lại đồn Ve (46), thuộc vùng thượng du Quảng Bình, vì Pháp đang đánh mạnh lên Sơn phòng Hà Tĩnh (46). Sơn phòng Hà Tĩnh thất thủ vào ngày mười sáu tháng mười nguyệt lịch năm Ất dậu (1885) ấy (46). Và phụ chính Tôn Thất Thuyết cùng chưởng vệ Trần Xuân Soạn liền sang Trung Hoa tìm cách cầu viện (46), nhưng không dám đưa vua Hàm Nghi cùng đi, bởi sợ chính nhà Thanh bắt vua giúp Pháp, theo (46)
“hoà” ước Thiên Tân (tháng tư Ất dậu 1885) !
Đó là một tháng mười chua xót, đau thương!
Bấy giờ phụ chính Nguyễn Văn Tường đang phải ở tại lao tù La Grandière, Côn Đảo. Ông và hai người bạn tù cùng nhóm lính hầu cận đều được báo cho hay tin chua xót, đau thương ấy!
Ngày Quốc khánh, hay còn gọi là Ngày Công chính (!!!) (45), của Nước Cộng hoà Pháp, mười bốn tháng bảy, đang đến, trên hòn đảo Tahiti, ở làng Papeete lưu đày này!
Phụ chính Nguyễn Văn Tường, cựu đề đốc Tôn Thất Đính và bảy viên lính không thể không thêm một lần cảm thấy chua xót, đau thương.
Và hôm đó, phụ chính Nguyễn Văn Tường ngã bệnh!
Ông nằm sốt mê man trên giường, trong cái nóng Tahiti tháng bảy dương lịch. Bác sĩ người Pháp, tên là Chassaniol (47), làm việc tại trụ sở y tế tại Papeete, liền được mời đến để khám bệnh, cấp thuốc. Bệnh thuyên giảm rồi lại nặng hơn.
Phụ chính Nguyễn Văn Tường hầu như không thể ăn uống được gì, và hơi thở rất khó khăn nặng nhọc. Đến lúc gần sáng, khoảng bốn giờ ba mươi phút, phụ chính Nguyễn Văn Tường đã trút hơi thở cuối cùng, sau mười lăm ngày ngã bệnh, từ hôm làng thuộc địa Papeete bị buộc phải chào mừng Ngày Công chính (!!!) của Nước Cộng hoà Pháp (40)!
Tàu Scorff cập bến Pueu, Tahiti Iti vào đầu tháng hai dương lịch, đến nay đã gần tròn sáu tháng. Phụ chính Nguyễn Văn Tường mất vào ngày ba mươi tháng bảy 1886 (đó là ngày hai mươi chín, nhằm ngày cuối tháng sáu, năm Bính tuất).
Chính cựu đề đốc Tôn Thất Đính, thân sinh của Tôn Thất Thuyết, đã vuốt mắt lần cuối cho người bạn vong niên, đồng chí chủ chiến của con trai mình và cũng là bạn vong niên của mình. Cụ Tôn Thất Đính bật khóc. Bảy người lính trung thành cũng bật khóc nức nở.
Trời bỗng đổ mưa, mưa tháng bảy xối xả. Sóng biển gào thét (40).
Nơi đây, vẫn không có một cây nhang, một lư trầm, chỉ có hai cây nến nhỏ cháy trên đầu giường một người suốt cuộc đời chống thực dân Pháp, vì Tổ quốc, nhân dân Đại Nam và vì triều Nguyễn.
Chiều hôm ấy, bác sĩ Chassaniol đội mưa gió đến khám nghiệm lần cuối. Và sau đó, đến cạnh bên ông ta là ba viên chức chính quyền thuộc địa xứ này: Aldophe Marouo Porot, Alphonse Bonnet và Etienne Deheaulme. Họ tiến hành việc lập giấy khai tử cho người tù chính trị bị lưu đày biệt xứ Nguyễn Văn Tường, không ghi rõ ông chết vì bệnh và bệnh gì.
“CÔNG SỞ PHÁP TẠI CHÂU ĐẠI DƯƠNG
Đảo Tahiti
Thị chính Papeete
Số 60
Cái chết của ngài Nguyễn Văn Tường 30.7.1886
Trích sao từ sổ hộ tịch của xã Papeete (Tahiti) năm 1886GIẤY KHAI TỬ (47)
Năm 1886, 30.7, 04 giờ chiều, trước mặt chúng tôi là Adolphe Marouo Porot, là sĩ quan hộ tịch của xã Papeete, đảo Tahiti.
Có đến: 1. Alphonse Bonnet, là quyền giám đốc Sở Nội vụ của các công sở Pháp tại châu lục, 57 tuổi; 2. Etienne Deheaulme, quyền chánh văn phòng của Sở Nội vụ, 26 tuổi.
Cả hai (02) người đều sống tại Papeete, đã khai với chúng tôi là sáng nay, lúc 04.g 30, ngài Nguyễn Văn Tường, cựu thủ tướng của vương quốc An Nam, khoảng 65 tuổi, cư trú tại Papeete, không rõ tên cha mẹ, đã chết.
Chúng tôi lập giấy khai tử này, và đã kí tên với các nhân chứng. Mọi người đều đã đọc.
A. BONNET,
& E. DEHEAULME. _______________________________
Chứng nhận trích sao văn bản:
Papeete, 08.12.1922
Thị trưởng
Kí tên:
A.M. POROT. Bầu trời tại làng Papeete vẫn xối xả mưa, và sóng biển vẫn gào thét. Đó không phải là ẩn dụ tu từ. Đó là sự thật về thời tiết hai hôm ấy. Và ngẫu nhiên sao lại trùng hợp với quan niệm của người dân bản xứ Tahiti này (40). Cư dân với màu da đồng hun khoẻ mạnh, nghìn đời ở đó, vẫn thường quan niệm rằng, khi một người danh tiếng, có công lao lớn mất đi, trời và biển không thể không khóc thương, gào thét (40).
Chính quyền thuộc địa Tahiti đã làm công việc khâm liệm ông. Tất nhiên không có tên cố đạo nào dám bén mảng đến với người đã từng là lãnh tụ “bình Tây sát tả” trong giờ phút đó, chỉ có cựu đề đốc và bảy người vái linh cữu phụ chính Nguyễn Văn Tường để thi lễ vĩnh biệt lần cuối, rồi cùng nhau lặng lẽ khấn nguyện với Hồn thiêng non sông Tổ quốc xa xăm.
Sáu ngày sau, tin tức về sự qua đời của phụ chính Nguyễn Văn Tường được thông báo trên Công báo Tahiti, số ra ngày 05.08.1886, ở trang 202:
“Nguyễn Văn Tường, cựu thủ tướng của vương quốc An Nam, đến Tahiti tháng hai vừa qua trên tàu Scorff, chết tại Papeete, ngày thứ sáu, 30.7.1886, lúc 04.h 30 sáng.
Thân thể của ông được liệm trong một quan tài bốn lớp, hiện được giữ tạm trong hầm nhà xác [caveau] để chở về Huế” (48) .
Đó là hầm mộ (caveau) tạm thời, trong nghĩa trang De L’Uranie. Từ lâu, để giải quyết cho những cái chết của quan chức và sĩ quan Pháp, chúng đã cho xây nửa nổi nửa chìm trên mặt đất các ngôi mộ rỗng, có cửa gắn ổ khoá, có ống thông hơi. Ngôi hầm mộ tạm thời ấy, dùng để giữ thi hài khỏi bị phân huỷ trong khi chờ chuyến tàu. Nó trông như một ngôi nhà mái vòm nhỏ bé, có ống khói lò sưởi, nhưng ống ấy cao hơn rất nhiều (48), nếu so sánh theo tỉ lệ với các ngôi nhà để ở (nom như ống khói của các nhà máy công nghiệp). Phần nổi ngôi mộ có chiều cao tính từ mặt đất lên đến nóc mái khoảng một mét sáu (1m60), chiều rộng khoảng một mét rưởi (1m50); riêng ống khói, tính từ nóc mái đến đỉnh khoảng tám tấc (0m80). Đây có lẽ là lần đầu tiên một tù nhân chính trị, vốn người chính gốc thuộc Đất nước bị Pháp xâm chiếm, nhưng nguyên ở chức hàm cao, được hưởng đặc quyền đó.
Cựu đề đốc Tôn Thất Đính cũng có lệnh được phóng thích. Bảy viên cận vệ trung thành cũng sắp được về. Thế mà có đến bốn, năm người trước và sau khi phụ chính Nguyễn Văn Tường mất, họ hứa là sẽ sống tại đây để canh giữ, chăm sóc hoa cỏ quanh mộ phụ chính nếu ông chết trước. Họ muốn sống trọn đời cho chữ trung, vì họ tự hào về người đã được họ kính yêu, quý trọng và kí thác lòng trung thành.
Bây giờ, họ đã biết sẽ có lệnh phóng thích và hồi hương, nhưng phải đợi đến khi có chuyến tàu cập bến cảng Tahiti và tàu ấy sẽ lại về Đại Nam.
Thế rồi một chuyến tàu như vậy cũng đến.
“QUYẾT ĐỊNH CHO PHÉP
DI CHUYỂN THI HÀI CỦA NGÀI TƯỜNG
(Công báo của thuộc địa, 09.12.1886) (47)
“Toàn quyền các công sở Pháp tại châu Đại Dương,
Chiếu theo văn thư của Bộ ngày 20.10.1886: chỉ định gửi về nước An Nam thi hài của ngài Tường, chết tại Papee-te ngày 30.7 vừa qua,
Chiếu theo đề nghị của giám đốc Bộ Nội vụ,
Quyết định:
Cho phép di chuyển thi hài của ngài Tường, chết tại Papeete, ngày 30.7 vừa qua.
Việc di chuyển sẽ được thực hiện trong sự có mặt của ông chủ sự Y tế và ông trưởng Ty Cảnh sát hành chánh có phận sự lập biên bản về việc này” .
Do quyết định của toàn quyền:
Giám đốc Sở Nội vụ
A. MATHIVET.
Papeete, ngày 09.12.1886
Th. LACASCADE” .
Tám người Đại Nam đã cùng nhau hộ tống chiếc quan tài bốn lớp đã được mang ra từ hầm mộ tạm thời, để lên tàu thuỷ về lại Tổ quốc.
Đến tháng giêng nguyệt lịch năm Đinh hợi (1887), tàu thuỷ ấy cập bến cảng Thuận An. Ngụy triều Đồng Khánh được báo tin. Để tránh bùng nổ những xáo động tại kinh đô Huế và cả nước, người ta cho di chuyển quan tài phụ chính Nguyễn Văn Tường một cách kín đáo, bí mật trên một chiếc thuyền. Lớp vải, lớp cót tre phủ lên quan tài, khiến không một ai đoán ra đó là thi hài của một người đã mất. Đến Bao Vinh, quan tài lại phải chuyển sang một chiếc thuyền khác để chở ra quê nhà An Cư, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị một cách lặng lẽ.
Cụ Tôn Thất Đính và bảy người lính kia vẫn tiếp tục hành trình ra tận quê nhà phụ chính Nguyễn Văn Tường, theo chiếc thuyền ấy. Và gia tộc đã nhận được lệnh phải để nguyên vẹn như thế, chôn cất ngay (49), không nên báo tang, không nên làm đám tang, khiến sĩ dân, quan chức xao động!
“Quân Pháp tha cho Lê Đính về. ([Lê Đính là] bố của Lê Thuyết [:Tôn Thất Thuyết, bị đổi theo họ bà nội]). Vua [ngụy Đồng Khánh] bảo, Lê Đính tội không phải nhẹ, phải đợi lệnh Bộ Binh, không nên đề phòng sơ suất” [!!!] (50) .
Ngụy triều Đồng Khánh tàn tệ với người yêu nước, chống Pháp đến thế. Khi họ đã bị lưu đày, đã bị tước đoạt tất cả, chúng vẫn bôi nhọ họ không biết ngại ngùng, và đã không những không một chút nhắn gửi thư từ thăm hỏi, lại còn cấm mọi người, kể cả thân nhân thăm hỏi họ. Nay người còn sống và quan tài người đã chết được trở về, lại còn
“không nên đề phòng sơ suất” !
Tuy thế, vẫn có những câu đối không dám đề tên được gửi đến phúng điếu:
Quốc kế thị phi lân sử định
Thiên phương sinh tử nhạn thư điêu!
(Vũ Tử Văn? (50) Đào Tấn?)
Kế sách [cho] Đất nước, đúng [hay] sai,
[sẽ do] tín sử [sử có điềm con lân]
định luận
[Ở] phương trời, sống [hoặc ] chết, thư xa
[buộc vào chân nhạn cứ] vật vờ
[trong gió]
Kế nước đúng sai trang sử quyết
Phương trời sống chết cánh hồng chao!
(Nguyễn Mạnh Hào dịch) .
Ba năm sau, gia tộc tổ chức việc cải táng (49). Bốn lớp quan quách khằng kín bằng dầu thông hoặc một thứ mủ nhựa cây nào đó, sau khi được mở ra, thấy vẫn còn nguyên vẹn hình hài, nét mặt phụ chính Nguyễn Văn Tường. Và di hài ông lại được an táng tại cánh đồng Hồng Điền quê hương (49).
Cho đến mấy chục năm sau, sĩ dân mới biết rõ cái chết của cựu phụ chính Đại Nam Nguyễn Văn Tường trên sách báo của người Pháp và người Việt. Thời gian đã dài đằng đẵng nhưng lòng thù hận ở các cố đạo tại Quảng Trị như Henry Pirey, Aldophe Delvaux vẫn không phai nhạt. Họ viết về cái chết của một người vốn là kẻ thù của họ, đã chết vì tay đồng bọn của họ, nhưng vẫn với sự thù hận, hằn học, thể hiện trong việc tiếp tục xuyên tạc để bôi nhọ một cách thâm độc (47). Họ không phải là tu sĩ chân chính!
Quốc sử quán chỉ ghi nhận thời điểm và nguyên do cái chết của ông một cách ngắn ngủi:
“Nguyễn Văn Tường, người xã An Cư, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị […]; làm quan tới chức Cần Chánh điện đại học sĩ, phụ trách đại thần, tấn phong Kì Vĩ quận công. Sau sự biến năm Ất dậu (1885), chết ở bên Tây” (52) .
Cho dù không ít người nơi này chỗ nọ còn mắc mưu tuyên truyền của giặc Pháp và ngụy triều, nhưng phần lớn sĩ phu, nhân dân thuở bấy giờ vẫn kính trọng phụ chính Nguyễn Văn Tường, vẫn truyền tụng bài thơ
“Triều đình tan tác” hay
“Chia tách triều chính” của ông:
Gươm phí bao năm, mấy bút mòn
Nửa khuya, vô cớ ép bùng hờn
“Tam tài”, cờ xổ; giông quyền sấm
Roi cặp, kẹp tra; chó rởn hồn
Đường núi vạn trùng lo kiệu biếc
Lòng tôi một dạng giữ sân son
Đúng, sai, ấy gửi nghìn sau luận
Nhẹ? Nặng? Phò vua? Luyến nước non? (41) .
Trọn truyện kí cuối Viết xong vào lúc 16 giờ 14 phút,
ngày 27.01.2003
(25 tháng chạp Nh. ngọ HB.3),
tại thành phố Hồ Chí Minh. TRẦN XUÂN AN
(1) Tập san Những người bạn cố đô Huế (NNBCĐH.) (Bulletin des amis du vieux Huế, Cadière làm chủ bút), bài “Phái bộ Pháp ở Huế và những phái viên đầu tiên” của linh mục Aldophe Delvaux, Đặng Như Tùng dịch, Phan Xưng, Bửu Ý, Đỗ Hữu Thạnh, Hà Xuân Liêm hiệu đính, tập III (1916), Nxb. Thuận Hoá, 1997, tr. 77.
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL. CB.), tập 36, bản dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH., Hà Nội, 1976, tr. 247: “… Và [phụ chính Nguyễn] Văn Tường do đô thống ấy xin [chính phủ Pháp] cho hai tháng [nhằm để] lo liệu việc nước cùng Bắc Kì cùng được lặng yên vô sự; [kì thực] đến ngày hai mươi bảy (27) tháng [bảy] ấy [05.09.1885] hết hạn, mà các tỉnh tả kì về phía nam, có nhiều nơi nổi quân chém giết dân giáo…”. Đoạn trích bản án trên, do De Courcy và De Champeaux cáo thị, chứng tỏ rất rõ, chính phủ Pháp tại Paris đã quyết định bắt hai phụ chính, trước 05.07.1885, và kí duyệt bản án cũng như hai tháng gia hạn cho phụ chính Nguyễn Văn Tường.
(3) Trích và dẫn theo Nguyễn Huy Anh, bài “Bao giờ Việt Nam có bảo tàng tiền tệ?”, Bns. Xưa và Nay, số 84 + 85, tháng 01 + 02.2001, tr. 70: “Trong biến cố thất thủ kinh đô 1885, người Pháp đã chiếm giữ Phủ Nội vụ hàng tháng trời. Bức điện gửi về Pháp ngày 24.07, tướng De Courcy cho biết: “Trị giá vàng bạc trong kho Phủ Nội vụ lên đến chín triệu (9.000.000) quan. Cũng đang khám phá thêm nhiều ấn tín, kim sách và báu vật đáng giá bạc triệu. Xin phái một chiếc tàu lớn cùng nhiều chuyên viên thành thạo qua kiểm xét mang về…”. Sau đó, linh mục Siefert đã tiết lộ: “Các kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần hai mươi bốn triệu (24.000. 000) quan””.
(4) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 32 – 34.
(5) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 50.
(6) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 35.
(7) NNBCĐH. [BAVH., 1923], bài “Cái chết của Nguyễn Văn Tường, cựu phụ chính An Nam” của Aldophe Delvaux, linh mục Pháp tại Quảng Trị, Phan Xưng dịch, Nguyễn Vy hiệu đính, tập X (1923), Nxb. TH., 2002, tr. 480. Đảo TAHITI, thuộc địa của Pháp. Chúng tôi đã có ý kiến ở bài nghiên cứu “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc Kinh Đô Quật Khởi 05.7.1885” về bài báo xuyên tạc và đầy thù hận này, đồng thời vẫn tiếp nhận để sử dụng các tư liệu gốc (văn bản hành chính) của thực dân Pháp trong bài báo ấy.
(8) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (VNSL.), Nxb. Tân Việt, bản 1964, tr. 554 – 555, 560, 554, 555.
(9) NNBCĐH., [BAVH., 1916] bài “Bao Vinh, thương cảng của Huế” của linh mục R. Morineau, Đặng Như Tùng dịch, Phan Xưng, Bửu Ý, Đỗ Hữu Thạnh, Hà Xuân Liêm hiệu đính, tập III (1916), Nxb. Thuận Hoá, 1997, tr. 211: “Cái vườn hoa thanh tú của gia đình nguyên phụ chính triều đình An Nam, tức là đại thần [Nguyễn Văn] Tường, bây giờ chỉ còn lưu lại các bức tường đổ nát, một mảnh vườn hoang vắng và vài cái nhà tầm thường”.
(10) Chi tiết này được các nhà nghiên cứu sử tham khảo từ “Việt Nam Pháp thuộc sử (1884 – 1945)” (Khai Trí xb., Sài Gòn, 1961, tr. 353) của Phan Khoang, nhưng với cách lí giải khác nhau. Xem: bài viết của Lê Quang Thái, tạp chí Cửa Việt, số 13, tháng 04.1992, tr. 80 – 84; tập Các báo cáo khoa học, bài “Góp phần làm sáng tỏ những uẩn khúc trong cuộc đời của nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)” của PGS. TS. Đỗ Bang, Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế phối hợp tổ chức, 02.07.2002., tr. 39. Qua nhiều cứ liệu, tôi mạn phép khẳng định: do thực dân, “tả đạo”, tay sai gây ra để phục thù và li gián hai phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết (chúng thực hiện kế li gián một cách có hệ thống). Xem thêm chú thích (9) bên trên.
(11) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 63, 109.
(12) Công báo Tahiti, số 05.08.1886, tr. 202: Tư liệu sao chụp (photocopy) trang báo nguyên bản tiếng Pháp của Trần Nguyễn Từ Vân; NNBCĐH. [BAVH., 1923], bài “Cái chết của Nguyễn Văn Tường, cựu phụ chính An Nam” của Aldophe Delvaux, tập X (1923), Nxb. TH., sđd., 2002, tr. 481 – 482.
(13) Theo một số lượng thông tin trong cuốn “Phạm Thận Duật, sự nghiệp văn hóa, sứ mệnh cần vương”, Hội KHLS.VN xb., 1997. (Cuốn sách tham khảo về Phạm Thận Duật kê trên, tôi đã có dịp phê phán ở phần chú thích tập III của bộ truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử này). Xin xem thêm theo chú thích (14) dưới đây.
(14) Nhiều tác giả, Côn Đảo, kí sự và tư liệu, Ban liên lạc tù chính trị, Sở Văn hóa – Thông tin, Nxb. Trẻ Tp. HCM. phối hợp xb., 1998, tr. 85: Khi đày Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, Tôn Thất Đính ra Côn Đảo, De Courcy có gửi theo một mật hàm cho chúa đảo là Caffort: “Tầm quan trọng của những tù nhân này đòi hỏi phải được giám sát hết sức nghiêm ngặt với bất cứ giá nào”. Theo tư liệu trên, Nguyễn Văn Tường bị Pháp đổ thuốc độc vào miệng, nên răng bị rụng (tr. 85). (Dẫn theo: PGS. TS. Đỗ Bang, tập Các báo cáo khoa học, bài “Góp phần làm sáng tỏ những uẩn khúc trong cuộc đời của nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)”, Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế phối hợp tổ chức, 02.07.2002., tr. 39).
(15) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 245 – 246.
(16) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 61 – 62.
(17) “Bị tội lây” (liên lụy) là thói tục, định kiến và là một loại án phạt thuộc luật pháp phong kiến – thực dân.
(18) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 60. Xem thêm về Nguyễn Tự Như (sđd., 236): Giặc Pháp bắt thân nhân của ông (thân sinh [Nguyễn Tự Cường] và anh ruột [Nguyễn Tự Khiểm]). Pháp chém đầu Nguyễn Tự Khiểm, giam cụ Nguyễn Tự Cường lại, để làm sức ép và ra điều kiện buộc cử nhân Nguyễn Tự Như phải đầu thú. Lưu ý: sđd. chỉ rõ chính giặc Pháp đã hiểm ác như thế. Xem lại chú thích (17) bên trên.
(19) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 26 – 27, 39 – 40.
(20) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 124 – 125.
(21) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 105.
(22) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 126.
(23) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 40 – 41 (Quảng Nam), tr. 55 – 56, 79 (Phú Yên, Bình Định), tr. 103 (Quảng Ngãi); xem thêm về Trần Văn Dư (sđd., tr. 78 – 79): Trần Văn Dư bị chính giặc Pháp xử trảm chứ không phải Chu Đình Kế như trong gia phả ghi (mặc dù lúc này Chu Đình Kế đã là ngụy quan). Gia phả ghi sai, bởi các lẽ, hoặc do sợ Pháp (lí lịch con cháu thêm nặng nề dưới chế độ thực dân Pháp), hoặc do không rõ… Về chi tiết này trong gia phả Trần Văn Dư, xin xem: Nguyễn Q. Thắng, Trần Văn Dư và phong trào Nghĩa hội, Nxb. VHTT., 2002, tr. 70.
(24) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 105 – 107.
(25) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 213 – 214.
(26) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 15 – 16: Trích nguyên văn
Phàm lệ của Đại Nam thực lục, kỉ đệ lục: Viết sử theo tiêu chí ngược:
“Phàm lệ phụ biên ở kỉ đệ ngũ, trong đó có một điều chép rõ: từ ngày 23 tháng 05 năm Hàm Nghi nguyên niên, sau khi kinh thành có việc, đến ngày 10 tháng 08 trở về trước, xe vua dời đi, trong, ngoài không hệ thuộc được, và tự ngày 10 tháng ấy trở về sau đến cuối tháng 09, Cảnh tông Thuần hoàng đế [:Đồng Khánh] ta tuy đã nối ngôi, nhưng tuyên bố dụ bảo, sợ chưa biết được khắp, niên hiệu vẫn còn chép là Hàm Nghi; về việc Nam – Bắc có vâng theo dụ của vua Hàm Nghi, mà khởi việc cần vương thì đều hãy chép làm “khởi binh”, để có cớ mà nói. Còn tự mồng 01 tháng 10 năm Đồng Khánh Ất dậu trở về sau, ngôi lớn định đã lâu, dụ bảo chắc đã biết khắp cả, mà còn làm liều, thì ở kỉ đệ lục kỉ sẽ lại chép là nghịch; đã được chuẩn cho lục ra để chép vào. Nay hai tháng 08 và 09 năm Hàm Nghi nguyên niên [tức là tháng 08 và tháng 09 âm lịch, năm Ất dậu (1885)], là còn thuộc vào phận tháng của kỉ ấy, cũng vẫn theo thế chép là khởi binh; còn từ mồng 01 tháng 10, là năm Đồng Khánh Ất dậu trở về sau, thì mới chép là nghịch”.
(27) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 132 – 133.
(28) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 133.
(29) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 134.
(30) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 138 – 139.
(31) Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, bài “Chiếu hay dụ Cần vương?”, tham luận của Trần Viết Ngạc, kỉ yếu Hội nghị Khoa học lịch sử, ĐHSP. Tp.HCM., 20.6.1996, tr. 25 – 30; cũng bài ấy của nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc sau khi rút gọn, bổ sung cứ liệu, đã đăng trên Bns. Xưa và Nay, số 128, tháng 11. 2002, tr. 9 – 11.
(32) Tập Các báo cáo khoa học, bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi (05.07.1885)” của Trần Xuân An, Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế phối hợp tổ chức, 02.07.2002., tr. 73.
(33) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 147 – 148, 168.
(34) VNSL., Nxb. Tân Việt, bản 1964, sđd., tr. 560: Trần Bá Lộc, De Lorme, và cả Aymonier, là những tên gian ác khét tiếng.
(35) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 67.
(36) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 197. Biện pháp dã man thời Trung cổ ấy, xin được hiểu với cái nhìn lịch sử – cụ thể và phải cần phê phán mạnh mẽ theo quan điểm luật pháp văn minh, công bằng, nhân đạo. Nói rõ hơn, hồi đó sự thể nó như thế; sự thể ấy do nhiều yếu tố của thời bấy giờ chi phối, trong đó có thói tục “một người làm quan cả họ được nhờ”, “một người làm giặc cả họ phải tội”. Và nói rõ hơn, sự thể ấy khác hẳn với quan niệm hiện đại của chúng ta: “ai làm ác nấy chịu, ai có công nấy hưởng”. Ở đây, chúng tôi liên tưởng đến một trí thức tu sĩ Thiên Chúa giáo nào đó, hiện nay, trong mươi năm gần đây, vẫn còn khoái trá một cách bệnh hoạn, hả hê một cách man rợ khi xem phim Sám hối, ca ngợi một người đàn bà thuộc chủng da trắng châu Âu đã trả thù kẻ cầm quyền độc tài bằng cách 3 lần quật mồ y! Vẫn là luật Trung cổ “mắt trả mắt, răng trả răng” ư? Thật rùng rợn và đáng phẫn nộ! (trích lại từ: Trần Xuân An, Nguyễn Văn Tường, “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, bản in vi tính, 2002, tr. 257 – 258).
(37) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 222.
(38) ĐNTL.CB., tập 38, sđd., 1978, tr. 12 – 13.
(39) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (ĐNLT.), bản dịch Viện Sử học, tập 4, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 332: trong tiểu truyện Nguyễn Hanh, có một chi tiết về Phan Liêm với tên họ có đầy đủ chữ lót: Phan Thanh Liêm. Từ đó, với nhiều tư liệu khác, có thể xác định chăng, Phan Thanh Liêm là con trai Phan Thanh Giản, anh em với Phan [Thanh] Tôn?
(40) Theo tư liệu của Trần Nguyễn Từ Vân (gồm một bài thơ kí sự của cô, và nhiều trang sao chụp nguyên bản thủ bút của Pháp, nhiều hình ảnh khác về làng Papeete ở Tahiti…).
(41) Bài “Giải triều…”, xem: Trần Xuân An (biên soạn), Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, thơ, vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng, bản in vi tính, 2000 (chưa có điều kiện xuất bản rộng rãi), tr. 80 – 88…
(42) Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền cùng cuộc cách mạng tư sản Pháp (1789) là một điểm son rực sáng của lịch sử Pháp. Hai bản tuyên ngôn ấy, với sự đóng góp của Voltaire, Montesquieu, Jean Jacque Rousseau… có giá trị mang tính nhân loại. Tôi khẳng định điều đó, chỉ phê phán sự phản bội của bọn thực dân cầm quyền Pháp đối với thành quả cách mạng của trí thức cùng các tầng lớp khác trong nhân dân lao động Pháp. Lá cờ “tam sắc” của nền cộng hòa Pháp cũng vậy. Hầu như ai cũng đã biết, các giáo sĩ thừa sai (đều thuộc lực lượng xâm lược Pháp và chủ nghĩa thực dân Phương Tây) thù oán Voltaire và các trí thức cộng hòa, dân chủ Pháp như thế nào. Linh mục thực dân Louvet đã viết: “… Tính can trường của người lính [thực dân Pháp] chúng ta không hề thay đổi, nhưng tinh thần thì không còn như cũ; đức tin [Thiên Chúa giáo] của cha ông chúng ta không còn nữa để hun đốt và yểm trợ họ. Thanh kiếm của Thập tự quân, lưỡi gươm của Charlemagne và của thánh Louis đã thành quá nặng trong tay con cái Voltaire!” (dẫn theo Y. Tsuboi, NĐN ĐVP. & TH., UB. KHXH. TU. Tp.HCM. xb., 1993, sđd., tr. 71). Xem thêm: Tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với Công xã Paris (1870), một điểm son rực sáng thứ hai của lịch sử Pháp, bọn cầm quyền thực dân cũng đã dìm trong biển máu!
(43) Đào Duy Anh, Từ điển Hán – Việt, quyển hạ, Nxb. Trường Thi, 1957, tr. 540: “Vân lôi thời tiết: thời vận anh hùng ra tay”. Xem thêm: ĐNLT., tập 4, Nxb. Thuận Hoá, 1993, sđd., tr. 253: Nguyễn Tư Giản có một câu thơ: “Vân lôi chí cấp, giang hồ hoãn”.
(44) Chữ “tội” (vô “tội”) trong ngoặc kép. Tôi muốn diễn đạt ý tưởng: những viên lính hầu cận ấy vẫn có tội đối với thực dân Pháp, vì họ yêu nước, trung thành, làm tốt nhiệm vụ cận vệ được giao phó.
(45) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 75. Xem chú thích (42) trong phần chú thích này.
(46) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 75 – 77.
(47) NNBCĐH. [BAVH., 1923], bài “Cái chết của Nguyễn Văn Tường, cựu phụ chính An Nam” của Aldophe Delvaux, tập X (1923), Nxb. TH., 2002, sđd., tr. 478 – 485.
(48) Theo ảnh chụp “hầm nhà xác” (hầm mộ: caveau) của Trần Nguyễn Từ Vân.
(49) Theo gia tộc phả của họ Nguyễn Văn làng An Cư, Triệu Phước, Triệu Phong, Quảng Trị. Xem thêm chú thích (47) của phần chú thích này: Linh mục Delvaux vốn quản nhiệm một giáo xứ gần đó, suốt nhiều năm nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường, nhưng gia đình ông vẫn không tiết lộ ngày, tháng, năm mất của cố phụ chính. Hẳn có lệnh dụ của triều đình là phải giấu kín…
(50) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., 1977, tr. 248.
(51) Tác giả là Vũ Tử Văn, hẳn chính xác hơn. Tháng chín, năm Ất dậu (1885), ngụy vương Đồng Khánh răn đe Vũ Tử Văn (người Quảng Trị) về phong trào Cần vương “bình Tây sát tả” ở tỉnh ấy: “… Hiện thời có người nói, việc quấy nhiễu Quảng Trị là tự Tử Văn xướng xuất”! (ĐNTL. CB., tập 37, sđd., tr. 54).
(52) Quốc sử quán triều Nguyễn và Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục (QTHKL.), bản dịch: Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Thị Lâm, hiệu đính: Cao Tự Thanh, Nxb. Tp.HCM., 1993, tr. 297. Xem thêm: chú thích (37) của truyện kí thứ năm, tập I, bộ truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử này.
Tư liệu bổ sung cho truyện kí cuối: I.
“Năm Hàm Nghi nguyên niên, tháng năm (05), kinh thành có loạn (“!”), vua Hàm Nghi dời đi, Hai Cung [Từ Dũ, Vũ thị] đi theo đến Quảng Trị, vua [Đồng Khánh, bấy giờ là hoàng tử thứ hai] cũng lẻn ra ngoài kinh thành, trốn ẩn ở các làng bên cạnh. Bấy giờ chỉ còn một [phụ chính] Nguyễn Văn Tường lưu lại ở kinh để bàn bạc cùng quan Đại Pháp, đi đón Hai Cung hồi loan; [ông] mới phụng ý chỉ Hai Cung chia phái đi đón vua Hàm Nghi, rồi xin cho Thọ Xuân vương là Miên Định tạm coi việc nước; [ông] lại uỷ người đi tìm vua [Đồng Khánh, bấy giờ là hoàng tử thứ hai], mời vua về tạm nghỉ ở phủ đệ Tĩnh Gia quận công. Về sau đón vua Hàm Nghi không được, [phụ chính Nguyễn] Văn Tường đã có ý dự định đón vua [Đồng Khánh, bấy giờ là hoàng tử thứ hai], lập lên nối ngôi, vừa gặp lúc [Nguyễn Văn Tường, phụ chính đệ nhất của] vua Hàm Nghi bị quan Đại Pháp đem về nước ấy…” (ĐNTL. CB., tập 37, sđd., tr. 23) .
Thực dân Pháp đã từng tung tin vua Hàm Nghi đã chết vì bị ốm, trước khi chúng quyết định, vào khoảng đầu tháng bảy nguyệt lịch Ất dậu, là sẽ lập Ưng Kỹ lên ngôi vua (Đồng Khánh)!
II.
Có một giai thoại về phụ chính Nguyễn Văn Tường sau ngày kinh đô quật khởi và bị thất thủ, đề cập đến tài năng, nhân cách, tư tưởng, thái độ chính trị kiên cường chống Pháp và lòng trung nghĩa của ông. Những đoạn trong giai thoại này, sau khi khảo chứng (đối chiếu tư liệu gốc, bổ cứu, loại trừ…), xét thấy không đúng với sự thật lịch sử, chúng tôi đã mạn phép lược bỏ. Mặc dù giai thoại chỉ là chuyện truyền khẩu, chứa đựng nhiều sai lệch, nhưng ít nhiều vẫn có thể đãi lọc một vài lượng thông tin nào đó, trên cơ sở khảo chứng khoa học. Xin chép lại ở cuối bộ truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử này để tham khảo thêm như sau:
“… Dưới thời Tự Đức, [phụ chính Nguyễn Văn] Tường làm quan nổi tiếng là một người mưu lược, những việc gì khó thì triều đình đều cử [Nguyễn Văn] Tường đảm nhiệm. Tự Đức mất, để di chiếu lại, cử [Nguyễn Văn] Tường là một trong ba người trọng thần. (Hai người kia là Trần Tiễn Thành và Tôn Thất Thuyết). Lúc Pháp xâm chiếm Việt Nam, [Nguyễn Văn] Tường và [Tôn Thất] Thuyết là hai người đứng đầu phe chủ chiến quyết tâm đánh Pháp. Sau sự kiện thất thủ kinh đô (07.1885) [đệ nhị phụ chính Tôn Thất] Thuyết đưa vua Hàm Nghi xuất bôn, tiếp tục cuộc kháng chiến lâu dài, [đệ nhất phụ chính Nguyễn Văn] Tường là người mưu lược, được cử ở lại để tìm mọi cách hạn chế bớt sự thiệt hại. Vì “nhiệm vụ lịch sử”, [phụ chính Nguyễn Văn] Tường đã bị mang tiếng phản bội, cộng tác với giặc.
[Phụ chính Nguyễn Văn] Tường là một đối thủ đáng gờm của Pháp từ mấy mươi năm. Cho nên khi [phụ chính Nguyễn Văn] Tường đã “về hàng” mà Pháp vẫn sợ và cho một đơn vị quân đội luôn canh chừng [Nguyễn Văn] Tường. Mặt khác, Pháp muốn dùng “tên” của [phụ chính Nguyễn Văn] Tường để làm “tay sai” cho chúng, nên chúng đã tìm mọi cách để lôi kéo [Nguyễn Văn] Tường.
Khi được linh [giám] mục Caspard cho biết [phụ chính Nguyễn Văn] Tường chính là con vua Thiệu Trị và em vua Tự Đức, Pháp đã gạ [Nguyễn Văn] Tường:
- Ông là người có dòng máu nhà vua, lại có tài, vậy ông có muốn làm vua không?
[Phụ chính Nguyễn Văn] Tường lắc đầu. Pháp lại hỏi:
- Nghe ông có một người con cũng giỏi lắm. Ông có muốn cho con ông làm vua không?
[Phụ chính Nguyễn Văn] Tường cũng lắc đầu.
Tên đầu sỏ thực dân Pháp ở Huế [De Champeaux] cũng lắc đầu:
- Con vua mà không muốn làm vua… Thật là một chuyện lạ! Phải chăng lòng ông còn đang mơ tưởng đến Hàm Nghi, phải không?
Sự nghi ngờ [phụ chính Nguyễn Văn] Tường trong lòng bọn thực dân lại chồng chất thêm. Cuối cùng, khi thấy không thể tin được, bọn Pháp đã đưa [phụ chính Nguyễn Văn] Tường đi đày và ông đã chết…”.
(Nguyễn Đắc Xuân viết theo Phan Văn Dật [thi sĩ tiền chiến, người Quảng Trị] và nhiều tư liệu khác, “Con vua mà không chịu làm vua”, trong cuốn Hương giang cố sự, Tủ sách Sông Hương xuất bản, 1986, tr. 47 – 48. Xem thêm: Nguyễn Đắc Xuân, Chuyện các quan triều Nguyễn, Nxb. Thuận Hoá, (?)…).
Chúng tôi đã viết rõ ở truyện kí thứ nhất, tập I, bộ truyện - sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử này: phụ chính Nguyễn Văn Tường không phải là con rơi của vua Thiệu Trị.
III.
“Sai làm hai ấn: “ngự tiền chi bảo” và “văn lí mật sát”; cùng là ấn, phòng, kiềm, bài ở các nha có bỏ mất, đều cho làm ra để dùng.
(Ấn “ngự tiền chi bảo”, trước đúc bằng vàng, hình tròn, nay vua [ngụy Đồng Khánh] cho là ấn ấy đã bị Tôn Thất Thuyết mang đi, nếu lại theo mẫu cũ, e có sự ngại khác)” (ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 24).
Khi chuẩn bị đưa xa giá vua Hàm Nghi và xa giá Tam Cung ra khỏi kinh thành, phụ chính Nguyễn Văn Tường đã vội vã lục tìm các quả ấn này cùng một ít vàng bạc để mang theo. Đến lúc vâng lệnh ở lại thương thuyết, ông đã trao lại cho Hồ Văn Hiển tất cả. Sau đó, trên đường ra Tân Sở (Cam Lộ) Tôn Thất Thuyết cất giữ.
IV.
+++
“Chuẩn cho đội hộ vệ ở Bộ Hộ đều vẫn theo danh hiệu như cũ. Năm trước chính phủ [:Phủ Phụ chính đại thần] nghĩ hai chữ ấy cùng với tên huý [Ưng Hỗ] của nhà vua [Kiến Phúc] đồng âm (tả chữ thị, hữu chữ cỗ, nên đổi chữ hộ [Bộ Hộ] làm chữ hội [Bộ Hội], chữ hộ [hộ vệ] làm chữ cận [cận vệ]). Đến nay Bộ Hộ tâu xin: “Chữ hộ khi làm giấy tờ, cho được cứ dùng; vì lần trước câu nệ quá, nên đổi tránh ra như thế thì chữ và nghĩa chưa ổn, xin nên theo như cũ”.
Vua [ngụy Đồng Khánh] bảo: “Sự ngu của Tường, Thuyết kể làm gì! (!). “Hộ vệ” cũng thế, đổi rất vô lí, cho nên cũng chuẩn cho cả”” (ĐNTL. CB., tập 37, sđd., tr. 36).
Xem lại: theo chú thích (102), truyện kí thứ mười một, tập IV, bộ truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử này. Tôi đã viết: “Bộ Hộ […] cũng đã đổi thành Bộ Hội vì kiêng huý (trường hợp gần đồng âm: [Ưng] Hỗ # Hộ). Vả lại, về mặt chiết tự chữ Hán và về ngữ nghĩa, chữ Hội (tụ họp [thị trường, kinh tế xã hội]) hay hơn, phù hợp với mức độ phát triển của thời đại hơn chữ Hộ (cái cửa [gia đình, kinh tế tự cung tự cấp])”. Xin xem tiếp hai đoạn trích dưới đây:
+++
“Bộ Lễ phụng mệnh đem những chữ huý [của ngụy vương Đồng Khánh] phải đổi tránh tiến trình:
Xin ba chữ khi đọc phải tránh âm, giấy tờ thì đổi dùng chữ khác (một chữ: đầu là chữ nhật, giữa chữ mỗ, dưới chữ chấp [[là chữ biện (Ưng Biện)]]; một chữ: bên trái chữ đậu, bên phải chữ chi [[là chữ kỹ (Ưng Kỹ)]]; một chữ: bên trái chữ thị, bên phải chữ đường [[là chữ đường (Ưng Đường)]]).
Bốn chữ đồng âm, một bên [chữ] giống chữ huý thì khi đọc tránh âm; [viết trên] giấy tờ phải bỏ bớt một nét (biền, biện, kiện, kỹ).
Ba mươi chữ cùng âm khác chữ, và giống cả ba chữ hoặc [giống] nửa chữ, thì khi đọc phải tránh âm; [viết trên] giấy tờ cho phép được dùng, tên người và tên đất không được dùng liều (như các chữ biện, chữ sí, chữ đường)” (ĐNTL. CB., tập 37, sđd., tr. 81).
+++ Việc lập Đồng Khánh là chẳng đặng đừng, trái với di chúc của Tự Đức. Di chúc đã ghi rõ:
“Ưng Kỹ người yếu hay ốm, có tâm tật, chưa học thông mà kiêu ngạo, hay bới việc riêng của người khác cho lạm thẳng; đều không phải là tư chất thuần lương, theo lời phải; sợ bọn ngươi khó lấy lời nói can được” (trích di chúc của vua Tự Đức, ĐNTL.CB., tập 35, sđd., tr. 200 – 201). “Lạm thẳng” là vi phạm tính trung trực, hay bẻ cong sự thật! Một tác giả thực dân Pháp đã viết:
“Chưa hề ở xứ sở nào, thời nào có ông vua bị thần dân oán ghét như vua bù nhìn Đồng Khánh” (Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, Paris, 1904, tr. 267; dẫn theo Dương Kinh Quốc, Phan Canh, Đào Đức Chương, Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng…). Đó là nhận định của một viên sĩ quan Pháp hộ tống ngụy vương Đồng Khánh trong chuyến công du của y và Nguyễn Hữu Độ ra các tỉnh hữu trực kì, hữu kì phía bắc, với mục đích phủ dụ, trấn áp phong trào Cần vương, trong khoảng thời gian từ cuối tháng tư đến giữa tháng sáu nguyệt lịch, năm Bính tuất (1886). Đi đến đâu, Đồng Khánh và Nguyễn Hữu Độ cũng bị sĩ dân căm ghét, đến mức Đồng Khánh phải bỏ nửa chừng lộ trình, đi tàu thuỷ của Pháp để về lại Huế với lí do bị bệnh cảm! (ĐNTL. CB., tập 37, sđd., tr. 162 – 164, 176 – 177, 178 – 180, 186, 192 – 193).
Với bài
“Giải triều…”, Nguyễn Văn Tường khẳng định lòng mình chỉ hướng đến vua Hàm Nghi.
V.
+++
“Chuẩn cho đình huy hiệu hoàng thái phi, còn bổng lộc chiếu vị thứ học phi chi cấp; tiết Diên Xuân và tên huý đều đình cả. Đình thần cho việc tấn tôn ấy là tự quyền thần, không phải di mệnh của tiền triều” (ĐNTL. CB., tập 37, sđd., tr. 39).
+++
“Gia cấp lương hàng năm và y phục mùa xuân, mùa đông cho thiện phi:
Khi trước, lúc vua [ngụy Đồng Khánh] còn thơ ấu, đã được tiên đế [Tự Đức] sắc cho làm con thiện phi, tấm lòng báo nghĩa không thể coi nhẹ, muốn tấn phong hơn bậc thiện phi, và truy tặng tước hàm cho cha của thiện phi là Nguyễn Đình Tân, để đền ơn, mới đem việc ấy tâu lên Từ Dụ bác huệ thái hoàng thái hậu; kinh phụng ý chỉ giao đình thần bàn lại. Đình thần nói: Nước không bao giờ có hai chính thống, tôn không bao giờ có hai bậc tôn, là phép thường xưa nay. Trước đây, Giản tông Nghị hoàng đế nối ngôi, tấn phong học phi làm hoàng thái phi, là chỉ do quyền thần bàn định, nên phải chuẩn cho đình chỉ. Nay, một là theo vị thứ cũ; một là nghĩ gia tấn phong, tưởng có điều chưa thoả đáng.
Vả lại, mẫu hậu đã vâng theo thánh dụ rõ ràng; nay thiện phi lại được gia phong, xét đến ý nghĩa “lễ thống vụ tôn”, e có chưa hợp, huống chi huy hiệu của thiện phi, là được tiên hoàng đế phong cho, đã có mệnh trước, tưởng ở trên hai chữ thiện phi không dám thêm chữ ào nữa, và cha của phi ấy là Nguyễn Đình Tân [một vị quan tổng đốc “sát tả” nổi tiếng ở Nam Định], trước được truy phục chức thượng thư, cũng là vì cớ thiện phi ở cấp bậc hàng phi. Việc gia phong thiện phi và tặng tước cho người cha, xin nên đình chỉ. Duy đã vâng theo tờ dụ của thái hoàng thái hậu, và lòng báo nghĩa của hoàng thượng, thì bổng lệ của thiện phi (đồng niên gạo 300 phương, tiền 700 quan) nghĩ nên gia thêm gấp rưỡi, và y phục mùa xuân, mùa đông, kính xin hậu cấp, khiến cho hợp tình nghĩa mà tỏ đạo hậu.
Vua [ngụy Đồng Khánh] bảo rằng: Đầy đủ thay lời bàn luận, dù đời xưa cũng không hơn được. Chuẩn cho theo nghĩ thi hành” (ĐNTL. CB., tập 37, sđd., tr. 108 – 109).
Xin xem thêm: ĐNTL. CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 216 – 217, đã trích dẫn ở chú thích (29) về thân mẫu vua Hiệp Hòa (hoàng thái phi Trương thị), cuối truyện kí thứ mười, tập III, bộ truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử này.
+++
“Tấn phong cho họ Nguyễn Hữu làm hoàng quý phi, và ban cho kim bài (khắc ngang chữ “Đồng Khánh sắc tứ”, khắc dọc các chữ “kiêm nhiếp lục viện”). Nguyễn Hữu Độ dâng sớ từ chối […].
[…] Đình thần tâu nói: […] Hữu Độ thân mang trọng trách của Nhà nước, lòng công trung [!!!] vốn đã xét biết, sợ không nên lấy tư tình mà bỏ phép công. Về việc tấn phong xin theo chỉ [dụ] chuẩn cho thi hành” … (ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 108 – 110).
Xin lưu ý: Hoàng quý phi là chức danh cao nhất trong hàng thê thiếp thuộc nội cung vua nhà Nguyễn, vì nhà Nguyễn không có lệ lập hoàng hậu cho vị vua đang còn sống (trừ trường hợp ngoại lệ dưới triều vua Bảo Đại về sau).
Xem thêm: Bức thư Nguyễn Hữu Độ gửi tướng Pháp Prudhomme, ngày 24 tháng tư năm Đồng Khánh Ất dậu (1885) về cuộc hôn nhân này:
“Kính gửi tướng, Tôi hân hạnh gửi bức thư này để ông xem xét [!?!]… Vì vậy mà tôi tuân theo mệnh lệnh [Hai Cung], và đã xin tiến cử con gái tôi vào ngày 13 tháng giêng âm lịch năm [Bính tuất 1886] sắp đến (16.02 dương lịch)…” (dẫn theo H. Cosserat, NNBCĐH. [BAVH.], tập VII [1920], Nxb. Thuận Hoá, bộ sđd., tr. 581 – 582).
Trước nhãn quan của các thế hệ trước đây (nửa sau thế kỉ XIX, trọn thế kỉ XX) và của chúng ta hiện nay (đang sống đến đầu thế kỉ hai mươi mốt [XXI]), tự thân các đoạn tư liệu trích dẫn trên đã phê phán tên ngụy quan Nguyễn Hữu Độ!…
VI.
“Puginier, giám mục ở Bắc Kì, và Camelbeck, giám mục ở Quy Nhơn, đã mở một chiến dịch điên cuồng tấn công chống Nguyễn Văn Tường mà theo họ là kẻ thù lớn nhất của người Pháp và đồng thời cũng là người An Nam điêu toa [!] nhất mà người ta có thể gặp… Sự hợp tác của ông ta và De Courcy là một mưu mô [của ông ta] nhằm đánh lừa người Pháp” (Cao Huy Thuần, “Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân Pháp tại Việt Nam [1957 – 1914]”, luận án tiến sĩ tại Pháp, bản dịch, in ronéo của Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1973, tr. 319).
+++
“Than ôi, ngay ngày hôm sau [tức là ngày kế tiếp ngày 29.8.1875], những thủ đoạn phá rối có hệ thống của Nguyễn Văn Tường kéo dài cho đến ngày chiếm cảng Thuận An [8.1883], và còn về sau này, cho đến khi đày kẻ thù không đội trời chung của chúng ta, và trong thời gian [bị lưu đày] đó, [Nguyễn Văn Tường] chẳng chịu hiểu biết gì cũng chẳng chịu quên gì” (H. Le Marchant de Trigon, NNBCĐH. [BAVH., 1917], tập IV (1917), Nxb. TH., 1998, sđd., tr. 272 - 273).
Đoạn trích trên đây đã khẳng định không hề có bức thư “Gửi thống đốc Tahiti” trong Lô Giang tiểu sử của Nguyễn Văn Mại (Nguyễn Huy Xước dịch, bản in ronéo, 1961).
Ngoài ra, ở đoạn trích dẫn trên, từ văn bản của phía đối phương (phía giặc Pháp: H. Le Marchant de Trigon), ta chỉ nên thu nhặt lượng thông tin, còn cách diễn đạt với quan điểm đánh giá theo
tiêu chí ngược của chúng, thì
phải hiểu ngược lại, theo quan điểm của công lí, đạo lí dân tộc và nhân loại. Ngữ danh – động từ
“Những thủ đoạn phá rối có hệ thống của Nguyễn Văn Tường” phải hiểu là:
Những biện pháp chống Pháp, đấu tranh với Pháp có hệ thống, suốt cả quá trình lâu dài của Nguyễn Văn Tường.
VII.
Những tư liệu sau đây khớp với tư liệu chuẩn cứ (Đại Nam thực lục chính biên, tập 36, và có thể kể cả tập 37, bộ sđd.) cũng như các tư liệu khác, chúng tôi đã có dịp trưng dẫn trong bài viết
“Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi 05.07.1885” (đã in trong tập Các báo cáo khoa học, tư liệu Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, do Trung tâm KHXH. & NV. thuộc Viện Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế, Tạp chí Huế Xưa và Nay tổ chức, in ấn, 02.07.2002, tr. 59 – 83):
+++ Tài liệu 1: Bài báo “Những biến cố ở Huế” (Les événemenes de Huế), đăng trên tờ nhật báo L’Unité – Indochinoise (cơ quan của quyền lợi chính trị, thương mại, canh nông, kĩ nghệ của Nam Kì, Cam Bốt, Bắc Kì và Trung Kì), số 70, năm thứ hai, ra ngày thứ sáu, 07.08.1885.
Đoạn mở đầu, tác giả khẳng định:
“Cách đây vài ngày, chúng tôi đã viết là [Nguyễn Văn] Tường chẳng bao giờ là đồng minh của chúng ta. Nay, cần thêm rằng, chúng ta chẳng hề tin tưởng một tí gì về những lời hứa hẹn chính thức nhất của ông ta, và rằng, sau chuyến bôn tẩu của nhà vua An Nam cùng với vị thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết, ông ta ở lại kinh thành chỉ nhằm mục đích phục vụ cho những người nói trên (vua và Tôn Thất Thuyết) mà thôi” .
+++ Tài liệu 2: Bài báo “Vụ bắt giữ viên quan Tường” (L’arrestation du mandarin Tường), đăng trên tờ báo Avenir militaire (Tương lai quân đội), số ra ngày 26.09.1885. Đây là một bài báo đã được tìm thấy trong tình trạng đã được cắt rời khỏi tờ báo.
Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc lược dịch như sau:
“Chúng ta đã tìm thấy những thông tin sau trong một bức thư đề ngày 11 tháng 09 gửi cho Hãng Thông tấn Havas: Tôi đã gửi cho ông chiều hôm qua một điện tín để báo cho ông biết việc vị đệ nhất phụ chính Nguyễn Văn Tường bị bắt. Bằng cách nào và tại sao người ta bắt ông?
Sau biến cố 05 tháng 07, [Nguyễn Văn] Tường tìm gặp thống tướng [[De Courcy]], ông ta bị bắt cầm tù và buộc phục vụ cho nước Pháp. Thoạt tiên, tướng tổng tham mưu định xử bắn ông, nhưng nghĩ lại, tốt hơn là giao cho ông ta tái lập guồng máy hành chính An Nam nhưng ông vẫn là tù nhân chừng nào những xáo động chưa được xếp đặt yên ổn, người ta uỷ thác cho ông ta tái lập niềm tin trong dân chúng và giúp chúng ta theo dõi tất cả hoạt động của giới quan lại. Ông ta có nhiệm vụ đưa vua hồi loan và không được phản bội lại chúng ta. Tất cả những điều kiện ấy đang được thực thi hay ít ra chúng ta tưởng như vậy cho đến những ngày gần đây, chúng ta biết rằng [Nguyễn Văn] Tường liên lạc bí mật với thân phụ [nhạc phụ?] ông ta ở bên ngoài. Người ta không tìm thấy gì khi bắt giữ những người chuyển văn thư. Nhưng, vào chiều ngày thứ hai vừa qua, tình cờ ta bắt giữ được một tên trong bọn chúng. Khám xét khắp người, người ta chẳng tìm thấy gì. Khi lột trần tên mật sứ kia, khám kĩ y, người ta đã tìm thấy một mảnh giấy nhỏ, nội dung được dịch ngay tại chỗ, và quyết định bắt giữ [Nguyễn Văn] Tường ngay tức thì. Nội dung mảnh giấy là gì, chỉ có thống tướng biết…”.
+++ Tài liệu bổ cứu cho bài báo trên:
“Ngày 05 tháng 09 là hạn chót hai tháng mà ông thống tướng De Courcy quy định cho [Nguyễn Văn] Tường phải ổn định An Nam. [Nguyễn Văn] Tường, như người ta nhận biết, đã cung cấp cho chúng ta những nguồn tin thất thiệt; mặc dù chúng ta đã giám sát chặt chẽ, ông ta vẫn liên lạc với những nhân vật đáng ngờ ở bên ngoài. Thống tướng quyết định cho bắt giữ ông ta” .
(Trích Gosselin, L’Empire d’Annam, Perrin et Cie, Librairies – éditeurs, Paris, 1904, tr. 219).
Sau khi giới thiệu các tài liệu trên, nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc kết luận:
“Vậy là, các nguồn tư liệu đều cho chúng ta biết rằng trong thế bị cầm tù ở Thương bạc, và dù bị giám sát chặt chẽ, Nguyễn Văn Tường vẫn liên lạc với bên ngoài cho đến khi bị phát giác và bị bắt. Cho nên những việc ông công khai làm dưới sự ép buộc của người Pháp trong tình thế bị giam hãm là những hành động bất đắc dĩ, không thật tâm, còn những liên lạc bí mật với bên ngoài, chính là những cố gắng cuối cùng của ông nhằm phục vụ Đất nước, bày tỏ trung thành với vua Hàm Nghi. Đó là lí do chính yếu mà De Courcy quyết định bắt và lưu đày ông…”.
(Trần thuật và dẫn theo bài báo của Trần Viết Ngạc, “Những tư liệu mới về Nguyễn Văn Tường” [giới thiệu, phân tích, bổ sung tư liệu sưu tầm, dịch thuật của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, hậu duệ thế hệ thứ tư của cụ Nguyễn Văn Tường, và con gái bà là Trần Nguyễn Từ Vân], bns. Xưa & Nay, số 126 (174) tháng 10.2002, tr. 18 – 20).
Chú thích xong lúc 09 giờ kém 12 phút,
ngày 22.02.2003 (22.01 Quý mùi HB.3) .
TXA.
Cước chú của tiết 3, đoạn giữa, thuộc truyện kí cuối (kết) - bản án của Pháp và nguỵ triều Đồng Khánh về nhóm chủ chiến:
(*) Để tiện việc lưu ý,
lưu ý một cách đặc biệt, xin mạn phép được viết hoa toàn bộ đoạn trích này.
MỤC LỤC
TẬP IV
1.Truyện kí thứ mười một: Thế trận “toạ sơn quan song hổ đấu”.
2.Truyện kí thứ mười hai: Kinh đô quật khởi và quốc kế chia tách – phối hợp triều chính.
3.Truyện kí cuối: Tháng ngày bị lưu đày và cái chết ở hòn đảo lao tù biệt xứ.
Bị chú quan trọng cuối bộ truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử.
Mục lục.
Danh mục sách của tác giả.
Ghi chú:
+++ Thay vì viết tay trên giấy rồi mới xếp chữ như các cuốn trước, đây là lần đầu tiên tôi thử viết trên bàn phím và màn hình máy vi tính. Ba tập trước đã viết xong, tập IV này cũng được tiếp tục với cách thức như vậy.
Khởi viết từ 07 giờ 30 phút, ngày 06.01.2003
(04.12 Nhâm ngọ, năm thứ hai công nguyên Hoà Bình). +++ Bản tự nhuận sắc (02.2004, font VNI-Centur) này, có thể nói là hoàn toàn không khác gì bản sơ thảo hoàn chỉnh (2002 – 2003, font VNI-Times), trừ một vài câu chữ được trau chuốt lại và dăm chi tiết nhỏ cần chỉnh lí.
18 giờ 10 phút ngày 23.02.HB.4
(04.02 Giáp thân HB.4) .
+++ Đổi font, sửa lỗi sắp chữ và bổ sung một vài chi tiết (như vượt thành…): 13.02.HB.4 (23.01. Giáp thân HB.4)
TXA.
Ghi chú để kỉ niệm:TÁC GIẢ ĐÃ KÍNH GỬI TẶNG BẢN THẢO SÁCH NÀY
(bốn tập, trọn bộ)
ĐẾN QUÝ VỊ :
1.Thầy Trần Viết Ngạc
2.Chú Nguyễn Văn An (bà con)
3.Chú Nguyễn Văn Toàn (bà con) [tập I]
4.Anh Nguyễn Hạnh và Tạp chí Xưa & Nay
5.Bạn Inrasara (trọn bộ); và với bạn Trần Tiến Dũng (chung một cuốn, tập I)
6.Chú Nguyễn Văn Phước (bà con)
7.Bạn Võ Văn Tám (Võ Nguyên ở Bình Thuận) [tập I]
8.Bạn Lê Phước Sinh (TT. Ngoại ngữ Đông Á TP. HCM.)
9.Ông Dương Trung Quốc và TS. Đào Hùng (chung một bộ)
10.Ông Lê Văn Thuyên (Tạp chí Huế Xưa & Nay) và TS. Đỗ Bang (chung một bộ)
Và một số bài ở dạng bản thảo vi tính, cỡ giấy A 4, gửi ở các toà soạn Văn Nghệ TP. HCM., Sông Hương, Cửa Việt…
Ghi chú: Anh Nguyễn Hạnh có đưa cho ông TRIỀU ANH (Việt kiều Bỉ, tác giả cuốn “Những trang sử cuối cùng về chữ Hán – Nôm”, Nxb. Đồng Nai, 1999) đọc.
11.Nhà thơ Nguyễn Phan Hách (Nxb. Hội Nhà văn).
12.Bạn Nguyễn Công Bình (Nxb. Thanh Niên).
Trân trọng cảm ơn quý vị và quý bạn.
TXA.
In ở bìa 4: “… Bộ truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử này cũng thể hiện ước mong: Mỗi người chúng ta tự đối diện với chính mình. Hình như đấy là nỗi ước mong của lịch sử với biết bao xương máu! Tôi cảm nhận nỗi ước mong ấy khi nghiên cứu và trong quá trình viết.
Điều cuối cùng cũng là đầu tiên trong bộ truyện kí tư liệu (truyện - sử kí - tư liệu lịch sử) này vẫn là: Đoàn kết dân tộc và đoàn kết nhân loại.
Nếu bộ truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử này tình cờ được để mắt đến, hi vọng người đọc, gồm cả những người Pháp, người Hoa, người Âu Mỹ nói chung, gồm cả những tu sĩ, giáo dân Thiên Chúa giáo tại Việt Nam và trên mọi đất nước, sẽ không trút giận vào tác giả, do sự thật lịch sử được cố gắng tái hiện một cách trung thực nhất…”.
(trích
”Vài lời thưa trước” của tác giả).
Ghi chú về tác giả:
Trần Xuân An(có bài kí bút danh: Trần Ngôn Sử)
Sinh ngày 10. 11. 1956 tại Huế;
Nhân tộc: Kinh (Việt Nam);
Quê gốc: Quảng Trị;
Tốt nghiệp khoa ngữ văn Việt ĐHSP. Huế (1974 – 1978);
Dạy học tại Lâm Đồng, 1978 – 1983;
Hiện nay, chuyên sáng tác, nghiên cứu
(Hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.).
1971, cùng bạn bè chủ trương tập san
Đất Vàng, trong giới học sinh ở Tam Kỳ (Quảng Nam – Đà Nẵng), với bút hiệu
Huyên Đình (Người Mẹ).
1973,
“Tiếng chuông xưa” , bài thơ lãng mạn đầu tiên in trên Tuổi Ngọc.
1975, được tặng thưởng
“Một trong mười bài thơ hay nhất trong năm” của báo Văn nghệ Giải phóng.
1991, giải
Sáng tạo trẻ, Hội VHNT. Quảng Trị.
DANH MỤC
TÁC PHẨM, SOẠN PHẨM, BIÊN KHẢO
CỦA TÁC GIẢ
(tính đến 2005)
Tác phẩm đã xuất bản và đã đăng kí bản quyền tại Cục bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam: 1. Nắng và mưa, thơ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991.
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
2. Hát chiêu hồn mình, thơ, Nxb. Đồng Nai, 1992.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap2.blogspot.com/
3. Tôi vẫn ở trên đường, thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1993.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap3.blogspot.com/
4. Lặng lẽ ở phố, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap4.blogspot.com/
5. Kẻ bị ném vào bão, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap5.blogspot.com/
6. Hát với đời ơi thương mến, thơ, Nxb. Trẻ, 1996.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap6.blogspot.com/
7. Quê nhà yêu dấu, trường ca thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1998.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantruongcatho7.blogspot.com/
8. Có một nơi lá mãi xanh, tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 1999.
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
Blogger tháng 12-2005
http://tranxuanancmnlamaixanh.blogspot.com/
http://tranxuanancmnlamaix2.blogspot.com/
9. Ngôi trường tháng giêng, tiểu thuyết, 1998, Nxb. Thanh Niên, 2003.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/
10. Sen đỏ, bài thơ hoà bình, tiểu thuyết, 1999, Nxb. Thanh Niên, 2003.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/
11. Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ 4 tập, 2002 – 2003; Nxb. Văn Nghệ TP. HCM.
http://www.giaodiem.com tháng 11-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm
Blogger tháng 12-2005
http://tranxuananpcdtnvt1a.blogspot.com/ & … 2a … 2b … 2c … - 4a ... 4c
12. Ngẫu hứng đọc thơ, phê bình thơ, 2003; NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 2005
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
Blogger tháng 12-2005
http://tranxuananbinhtho.blogspot.com/
Tác phẩm đã hoàn tất bản thảo: 13. Mùa hè bên sông (Nỗi đau hậu chiến), tiểu thuyết, 1997; hai bản đã sửa chữa và bổ sung, 2001 (lần hai) và 2003 (lần ba).
Website Giao Điểm:
http://www.giaodiem.com tháng 6-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htm
14. Thơ những mùa hương, thơ.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap9.blogspot.com/
http://tranxuananthitap9.blogspot.com/
15. Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên, thơ.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm
16. Nước mắt có vị ngọt, tập truyện ngắn, 1999.
http://www.giaodiem.com tháng 10-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_index.htm
Soạn phẩm biên khảo đã hoàn tất bản thảo:17. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (biên soạn – nghiên cứu, phản bác, và tập hợp một số bản dịch, bài khảo luận văn học và sử học về NVT.), 2000 & 2003.
http://www.giaodiem.com tháng 8-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htm
18. Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường – “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp” (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.
19. Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và các sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp… (Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học VN.), chọn lọc, phần II, 2001.
20. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, 2002 & 2003. Website Giao Điểm:
http://www.giaodiem.com
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm
21. Suy nghĩ về một số vấn đề trong lịch sử cổ đại nước ta, khảo luận, 7.2004.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm
Địa chỉ:
71B Phạm Văn Hai,
Phường 3, quận Tân Bình
(cửa hiệu PHAN HUYÊN)
TP. HCM.
ĐT.: 08.8453955
& 0908 803 908
Email: tranxuanan_vn@yahoo.com
TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI TRUY CẬP THÊM
CÁC ĐỊA CHỈ WEBs / BLOGs (bấm vào các đường LINKs sau đây):
I. THƠ : _________________________
________________________________________________
http://tranxuanantthitap1.blogspot.com/http://tranxuananthitap2.blogspot.com/http://tranxuananthitap3.blogspot.com/ http://tranxuanantthitap4.blogspot.com/http://tranxuananthitap5.blogspot.com/http://tranxuananthitap6.blogspot.com/http://tranxuanantruongcatho7.blogspot.com/http://tranxuananthitap9.blogspot.com/ http://tranxuanantthitap9.blogspot.com/II. TIỂU THUYẾT : _________________
________________________________________________
http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/http://tranxuanancmnlamaixanh.blogspot.com/http://tranxuanancmnlamaix2.blogspot.com/III. PHÊ BÌNH – TIỂU LUẬN : ________
________________________________________________
http://tacphamtranxuanangiaodiem.blogspot.com/http://tranxuanantieuluan.blogspot.com/http://tranxuanantieuluan9b.blogspot.com/http://tranxuananbinhtho.blogspot.com/IV. TRUYỆN – SỬ KÍ –
KHẢO CỨU TƯ LIỆU LỊCH SỬ : ____________
________________________________________________
http://tranxuananpcdtnvt1a.blogspot.com/http://tranxuananpcdtnvt2a.blogspot.com/http://tranxuananpcdtnvt2b.blogspot.com/http://tranxuananpcdtnvt3a.blogspot.com/http://tranxuananpcdtnvt3b.blogspot.com/http://tranxuananpcdtnvt4a.blogspot.com/http://tranxuananpcdtnvt4b.blogspot.com/http://tranxuananpcdtnvt4c.blogspot.com/V. TRANG PHỤ : PHẢN HỒI : ĐỒNG CẢM – TRAO ĐỔI – LÀM RÕ & ĐÍNH CHÍNH _____________
_________________________________________
http://tranxuanan-trphu.blogspot.com/HOẶC CÓ THỂ BẤM VÀO DÒNG CHỮ
VIEW MY COMPLETE PROFILE Ở BẢNG
ABOUT ME ĐỂ TỪ NHỮNG ĐƯỜNG
LINKs TẠI ĐÓ,
ĐỌC NHỮNG TÁC PHẨM KHÁC CỦA TÁC GIẢ
TRÊN
WEBs / BLOGGER.
NGOÀI RA, CÓ THỂ TRUY CẬP THÊM
CÁC TÁC PHẨM SÁNG TÁC, KHẢO LUẬN, BIÊN SOẠN
CỦA TÁC GIẢ
TRÊN
TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ GIAO ĐIỂM(xin bấm vào các đường LINKs sau đây):
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htmhttp://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htmhttp://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htmhttp://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htmhttp://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htmhttp://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_index.htmhttp://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htmhttp://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1205_index.htm http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_txa-ky-content.htmTrân trọng và cảm ơn.
Tác giả,
Trần Xuân An
_________________________
TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN
TỪNG CHỮ, TỪNG Ý TƯỞNG CỦA MÌNH.
TRÂN TRỌNG VÀ THÀNH THẬT BIẾT ƠN.
NHÀ XUẤT BẢN VĂN NGHỆ TP. HCM.
2004 HẾT TẬP IV
(TRỌN BỘ)